Thanh niên công giáo tại huyện Bảo Yên đang tích cực lập thân, lập nghiệp phát triển kinh tế, góp sức trẻ xây dựng quê hương…
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình công giáo tại miền quê còn nhiều khó khăn, anh Nguyễn Minh Khôi, sinh năm 1993, thôn Hàm Rồng, xã Việt Tiến quyết tâm xây dựng mô hình phát triển kinh tế. Năm 2019, nhận thấy nghề nuôi ong thích hợp với đồi rừng địa phương, anh quyết định lập nghiệp. Cũng như nhiều mô hình khác “vạn sự khởi đầu nan”, những ngày đầu anh loay hoay giữ đàn ong mật để chúng không bỏ đi và nâng cao được chất lượng mật.
Dám nghĩ, dám làm, chịu khó, ham học hỏi, cộng với sự nhanh nhẹn, tháo vát, anh Khôi từng bước vượt qua khó khăn. Sau 3 năm kiên trì, mô hình nuôi ong lấy mật của gia đình anh phát triển ổn định. Với 50 đõ ong, anh thu 150 lít mật/tháng, lãi gần 20 triệu đồng. Anh Khôi cho biết, tới đây gia đình sẽ vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội để tiếp tục mở rộng quy mô đàn ong mật và mở rộng sang nuôi cá, trồng quế.
Thôn Hàm Rồng còn có tấm gương anh Trần Văn Hoài, người đi đầu trong phát triển cây quế. Chúng tôi đến tham quan cơ ngơi của gia đình anh Hoài là ngôi nhà khang trang mới xây, chủ yếu nhờ nguồn thu từ 20 ha quế. Hằng năm, anh thu hoạch tỉa thưa và tận thu cành lá quế, thu được 80 triệu đồng. Anh Hoài tâm sự: Nhận thấy tiềm năng, giá trị của cây quế nên tôi mạnh dạn đầu tư. Sau gần chục năm trồng, cây quế đem lại nguồn thu ổn định cho gia đình tôi.
Anh Nguyễn Minh Khôi chia sẻ mô hình nuôi ong lấy mật
Từ mô hình của thanh niên Trần Văn Hoài, thôn Hàm Rồng đã mở rộng diện tích quế lên 80 ha.
Xã Việt Tiến có 2 họ đạo thuộc thôn Hàm Rồng và thôn Việt Hải. Với vai trò của mình, Đoàn Thanh niên xã đã tích cực vận động, tuyên truyền thanh niên công giáo thực hiện tốt phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”, ra sức thi đua lập thân, lập nghiệp. Anh Triệu Văn Hạt, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Việt Tiến cho biết: Nhiều thanh niên công giáo đã mang tinh thần “kính Chúa, yêu nước” để thi đua phát triển kinh tế với các mô hình tổng hợp vườn – ao – chuồng – rừng.
Đoàn Thanh niên xã đã tổ chức cho đoàn viên, thanh niên địa phương đi tham quan các mô hình phát triển kinh tế thanh niên tại các địa phương lân cận, đến thăm các mô hình nuôi gà đồi do thanh niên làm chủ ở xã Điện Quan (Bảo Yên), xã Phú Nhuận (Bảo Thắng) và nhiều mô hình kinh tế khác. Những chuyến đi giúp thanh niên có thêm quyết tâm, kinh nghiệm phát triển kinh tế.
Trong những năm qua, thanh niên huyện Bảo Yên nói chung và thanh niên công giáo trên địa bàn huyện nói riêng luôn nhận được quan tâm, hỗ trợ của đoàn thanh niên các cấp trên địa bàn. Các cấp bộ đoàn đã đồng hành với thanh niên tôn giáo phát triển kinh tế, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, thực hiện chủ trương “5 cây trồng và 3 vật nuôi” chủ lực của huyện, tạo điều kiện cho thanh niên tôn giáo tiếp cận những chủ trương, chính sách vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất.
Huyện đoàn Bảo Yên cũng chỉ đạo các đơn vị đoàn cấp xã trực thuộc khảo sát nhu cầu khởi nghiệp của thanh niên công giáo trên địa bàn nhằm tăng cường các hoạt động chăm lo, hỗ trợ thanh niên là tín đồ công giáo. Thanh niên công giáo còn được học tập kiến thức, kỹ năng và tiến bộ khoa học, kỹ thuật để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu chính đáng. Đến nay, trên địa bàn huyện có 8 mô hình kinh tế do thanh niên công giáo làm chủ có lãi từ 100 triệu đồng/năm trở lên và hàng chục mô hình kinh tế khởi nghiệp và thu nhập trên 50 triệu đồng/năm.
Anh Nguyễn Văn Mạnh, Bí thư Huyện đoàn Bảo Yên cho biết: Nhiều mô hình kinh tế của thanh niên công giáo đi đầu trong việc áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, thu hút và giúp đỡ nhiều thanh niên khác, tạo hiệu quả trong công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên tham gia các phong trào, hoạt động của đoàn thanh niên, hội liên hiệp thanh niên.
Trong thời gian tới, các cấp bộ đoàn tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên công giáo chấp hành nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp sức trẻ xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, tôn giáo.