Anh Phan Văn Minh (phó bí thư Đoàn Sở Văn hóa và thể thao TP.HCM) và cô giáo trẻ Phạm Hồng Hạnh (Trường THCS – THPT Diên Hồng, quận 10) có nhiều cách lan tỏa việc học và làm theo lời Bác đến với học sinh và đông đảo bạn trẻ.
Trong chương trình giáo dục chủ đề “Em yêu Bác Hồ”, anh Minh với vai trò là thuyết minh viên tại Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP.HCM đã âm thầm chuyển tải tình yêu, lòng biết ơn, sự kính trọng của thiếu nhi với Bác Hồ qua những trò chơi do anh cùng đồng nghiệp thiết kế.
Còn cô giáo Hạnh dù dạy môn địa lý nhưng luôn chia sẻ với các em học sinh, giáo viên trẻ trong chi đoàn về tinh thần học và làm theo lời Bác phù hợp với mọi người.
Kể chuyện về Bác bằng trò chơi
Hơn chục năm làm thuyết minh viên tại bảo tàng, đã biết bao lần anh Minh chia sẻ câu chuyện về cuộc đời, sự nghiệp của Bác đến du khách, học sinh, sinh viên. Mỗi lời nói không chỉ đảm bảo tính chính xác thông tin mà còn chất chứa bao tình cảm chân thành với Bác.
“Tùy đối tượng tham quan là ai, tôi sẽ có cách thuyết minh sao cho dễ nghe, hiểu và thật sự gần gũi. Tôi luôn lồng ghép kiến thức về lịch sử, về Bác mà với học sinh tiểu học thì khác, trung học khác, sinh viên, thanh niên lại có cách khác”, anh Minh chia sẻ.
Say mê, sáng tạo với công việc “kể chuyện” về Bác đến mọi người, anh cán bộ Đoàn còn mày mò cùng đồng nghiệp thực hiện công trình thanh niên: Thực hiện các chương trình giáo dục với chủ đề “Em yêu Bác Hồ”.
Từ năm 2018 đến nay, công trình đã được mang đến nhiều trường học tại TP.HCM và một số tỉnh, là một trong những công trình tiêu biểu được Đoàn khối Dân – Chính – Đảng TP.HCM tuyên dương, góp phần xây dựng mô hình giáo dục “Mang bảo tàng đến với trường học” (Đoàn Sở Văn hóa và thể thao TP) được nhận giải thưởng Hồ Hảo Hớn của Thành đoàn TP.HCM năm 2020.
Đem đến các trường học nơi học sinh ít có điều kiện tham quan bảo tàng, trong mỗi chuyến đi ấy, anh kiêm luôn vai quản trò hướng dẫn học sinh tham gia trò chơi “Rung chuông vàng” với các câu hỏi về Bác dành cho thiếu nhi rất gần gũi.
“Mỗi lần mang tư liệu, hình ảnh, hiện vật… đi triển lãm ở các trường vùng sâu, vùng xa, tôi xúc động lắm khi cảm nhận sự háo hức, mong đợi của các em học sinh lần đầu được xem triển lãm về Bác Hồ, được tham gia cuộc thi tìm hiểu về Bác” – anh Minh nói.
Cô Phạm Hồng Hạnh, bí thư chi đoàn giáo viên Trường THCS-THPT Diên Hồng, quận 10, TP.HCM. |
Làm gương để lan tỏa điều tốt đẹp
Là giáo viên tiêu biểu cấp thành, bí thư chi đoàn giáo viên của trường, cô Hạnh nói tâm đắc về vấn đề đạo đức, lòng yêu thương con người, sống có nghĩa có tình khi tìm hiểu về Bác. Làm gì cũng cần cái tâm, cô giáo Hạnh tâm niệm vậy nên trong vai nào, giáo viên hay bí thư chi đoàn, cô luôn tìm hiểu tính cách, chịu khó lắng nghe mọi người, đặc biệt là với các bạn học sinh hòa nhập. Qua đó, luôn chia sẻ, giúp đỡ để các bạn đoàn viên tự nguyện tham gia hoạt động, còn học sinh nhờ vậy cũng học tập hiệu quả hơn.
Cùng với kiến thức, cô giáo ấy còn giáo dục cho các em về đạo đức, kỹ năng trong học tập và cuộc sống. Cô nhắc các bạn từ giữ vệ sinh lớp, tự giác lau bảng, quét lớp sạch sẽ, đến việc tắt đèn quạt khi ra khỏi lớp để tiết kiệm điện. Hay khi nhận bài kiểm tra từ giáo viên phải biết nhận bằng hai tay, biết nói xin lỗi, cảm ơn, tuân thủ nội quy của nhà trường…
Cô Hạnh tâm sự rằng cuộc sống càng hiện đại, mạng xã hội càng phổ biến, giới trẻ tiếp thu những xu hướng mới thì việc nhắc nhở, giáo dục các em từ những việc nhỏ nhất và thường xuyên cũng rất cần thiết trong môi trường giáo dục.
“Mình thường lồng ghép các nội dung về lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ bạn bè khi dạy. Và mình luôn cố gắng làm gương trước khi muốn lan tỏa đến học sinh. Có vậy điều mình lan tỏa sẽ dễ được đón nhận hơn” – cô Hạnh bày tỏ.
Học Bác, cô giáo trẻ cố gắng thay đổi phương pháp, dạy học gắn với thực tiễn cuộc sống bằng cách luôn cập nhật các thông tin và số liệu mới. Cô cũng đổi luôn cách kiểm tra đánh giá.
Thay vì cho học sinh làm bài kiểm tra trên giấy, cô cho các em làm mô hình hoặc phối hợp với thư viện cho các em viết bài cảm nhận về cuốn sách có nội dung trong chương trình của môn địa lý. Cũng có khi là bài thuyết trình theo nhóm, vẽ tranh tuyên truyền nội dung có liên quan đến chương trình như: bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, tình yêu quê hương biển đảo hay cho các em thiết kế trang phục của các quốc gia, các dân tộc…
“Học trò phải đóng vai trò trung tâm. Các em cần hoạt động nhiều hơn và muốn học sinh hoạt động tích cực, chúng ta phải hiểu được tâm lý các em. Tôi chọn cách trò chuyện cùng các em nhiều hơn và tạo điều kiện để các em phát huy khả năng sáng tạo của mình”, cô Hạnh cho biết.