Tiếp tục tăng cường ứng dụng chuyển đổi số (CĐS) trong sản xuất nông nghiệp, để nông nghiệp số thực sự “cất cánh”, các cấp, ngành của tỉnh Bình Phước đang thực hiện nghiêm Nghị quyết 04-NQ/TU về CĐS trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Mục tiêu đến năm 2025, cơ bản hình thành chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh.
LỢI ÍCH CỦA CÔNG NGHỆ SỐ
Với diện tích trồng và liên kết trồng khoảng 800 ha mít ruột đỏ và vú sữa hoàng kim, HTX Phước Thiện là một trong những HTX đầu tiên của tỉnh ứng dụng công nghệ cao vào trồng và chế biến sản phẩm, hướng đến chuỗi quy trình khép kín từ canh tác, thu hoạch, chế biến sau thu hoạch. Đây cũng là một trong 2 mô hình HTX thụ hưởng chương trình CĐS của tỉnh Bình Phước. Theo đó, HTX Phước Thiện được lắp đặt wifi, hệ thống tưới tự động bằng ứng dụng công nghệ IoT, camera giám sát vườn cho 2 ha mít ruột đỏ, 1 ha vú sữa hoàng kim theo tiêu chuẩn hữu cơ. Đồng thời thu thập dữ liệu phục vụ chăm sóc, truy xuất nguồn gốc; CĐS trong quản lý điều hành hoạt động; CĐS trong quản lý sản xuất, kinh doanh; xây nhà xưởng chế biến… Từ đây, HTX chủ động tìm kiếm thị trường qua các kênh thương mại điện tử.
Hiện ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel, tích hợp hệ thống châm phân tự động; ứng dụng cảm biến kiểm soát các yếu tố môi trường, nhiệt độ, ẩm độ, áp dụng công nghệ số… là bước tiến mới trong hành trình đưa tiến bộ khoa học – kỹ thuật tới gần với người dân. Sản xuất theo công nghệ giúp theo dõi các thông số trong vườn như nhiệt độ, độ ẩm, điều chỉnh tưới nước, bón phân từ xa chỉ bằng điện thoại thông minh. Mô hình được triển khai thành công không chỉ hỗ trợ người sản xuất hạn chế rủi ro, quản lý tốt sâu bệnh hại, tiết kiệm chi phí, giúp nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế mà còn góp phần thúc đẩy CĐS ngành nông nghiệp. Mặc dù chỉ chiếm 5% tổng diện tích mít toàn tỉnh nhưng nhờ hiệu quả công nghệ số mang lại, sản phẩm mít ruột đỏ của HTX Phước Thiện đang dần xây dựng chỗ đứng riêng trên thị trường trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Viết Vị, Giám đốc HTX Phước Thiện cho biết: “Từ khi áp dụng chính sách CĐS nông nghiệp, chi phí của HTX đã giảm nhiều, mang lại hiệu quả tốt hơn. Hệ thống tưới tự động, điều khiển từ xa kiểm soát được độ ẩm của đất cũng như lượng nước phù hợp, từ đó tiết kiệm nhân công, nước tưới. Công nghệ này rất tốt, cần được nhân rộng hơn nữa”.
Phương châm xuyên suốt của HTX Phước Thiện là liên kết sản xuất sản phẩm sạch, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, giúp nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm… Do đó, quy trình canh tác luôn đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP và hướng tới hữu cơ, đề cao sức khỏe người tiêu dùng và người sản xuất. Việc thực hiện CĐS không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập mà còn từng bước làm thay đổi nhận thức và nâng cao trình độ của người nông dân.
“Sản phẩm mít ruột đỏ, vú sữa hoàng kim khi đưa ra thị trường chỉ cần khách hàng quét mã QR thì sẽ biết tất cả thông tin từ khi chăm sóc đến lúc thu hoạch. Đây chính là lợi ích của quá trình CĐS đối với HTX Phước Thiện” – ông Phạm Văn Bình, Giám đốc Công ty Nông nghiệp số AgriConnect, TP. Hồ Chí Minh chia sẻ.
THAY ĐỔI TƯ DUY CANH TÁC
Cũng được hưởng lợi từ chương trình CĐS, năm 2022, HTX hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang được đầu tư máy tính, máy in, camera quan sát, hệ thống tưới, chăm sóc tự động bằng ứng dụng công nghệ IoT… lắp đặt cho 2 ha hồ tiêu và hoa hồng chăm sóc theo hướng hữu cơ bền vững. Theo ông Phạm Thanh Chung, Giám đốc HTX Phước Thiện, tiện lợi nhất khi ứng dụng công nghệ IoT là phần mềm vừa được cài trên máy tính vừa cài trên điện thoại nên nông dân có thể ứng dụng tưới nước, tưới phân cho vườn cây mọi lúc, mọi nơi, chủ động chăm sóc từ dinh dưỡng đến độ ẩm. “HTX canh tác hồ tiêu, cây ăn trái và nông sản khác theo hướng truyền thống nên hiệu quả rất thấp, lại tốn chi phí công tưới, thiếu lao động, làm gia tăng chi phí đầu vào… Sau khi ứng dụng công nghệ số vào sản xuất đã giảm được nhiều chi phí, không phụ thuộc vào nhân công lao động thuê từ bên ngoài, trung bình 1 ha giảm từ 2-3 triệu đồng/tháng” – ông Chung cho biết.
HTX hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang hiện có 16 thành viên với 29 ha hồ tiêu. Niên vụ 2022-2023, HTX thu được 90 tấn hạt tiêu. Với ước mong đưa sản phẩm hạt tiêu hữu cơ Bình Phước ra thế giới, các thành viên HTX đang ngày đêm trăn trở thay đổi phương thức sản xuất theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường nhằm cho ra đời những sản phẩm chất lượng cao, khẳng định thương hiệu tiêu Lộc Ninh trên thị trường. Do vậy, ngoài những điểm yếu, như: trình độ, vốn, kinh nghiệm quản lý, khoa học – công nghệ… thì điểm “nghẽn” cần thay đổi đầu tiên đối với các thành viên HTX vẫn là tư duy sản xuất. Và sau thời gian ứng dụng công nghệ số, tư duy sản xuất của các thành viên HTX đã dần thay đổi.
GIÁ TRỊ BỀN VỮNG CHO NÔNG NGHIỆP
Theo kiểm tra, đánh giá của Sở Thông tin và Truyền thông và Liên minh HTX tỉnh, 2 HTX đã nắm được quá trình vận hành của hệ thống IoT. Ứng dụng thành công công nghệ số trong nông nghiệp, giúp giảm thiểu nhân công, nâng cao thương hiệu, tự tin đưa sản phẩm nông nghiệp của mình ra thị trường trong và ngoài nước. “Từ khi ứng dụng công nghệ thông tin, các HTX đã sử dụng phần mềm để quản lý dữ liệu, không phải lưu bằng giấy và giảm thiểu nhân công trong các khâu chăm sóc” – ông Bùi Mạnh Hùng, cán bộ Phòng Bưu chính – Viễn thông – Công nghệ thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông cho biết.
Ông Nguyễn Trọng Đại, Trưởng phòng Kế hoạch hỗ trợ, Liên minh HTX tỉnh chia sẻ: “CĐS đã diễn ra ở một số HTX trong tỉnh, nhưng chưa đồng bộ. Do vậy, từ 2 mô hình được đầu tư bài bản này, thời gian tới Liên minh HTX tỉnh mong tiếp tục nhận được sự quan tâm để đầu tư mở rộng diện tích hoặc xây dựng mô hình mới hiệu quả hơn”.
CĐS cho thấy, nếu biết cách khai thác hiệu quả sẽ mang đến những giá trị mới bền vững cho sản xuất nông nghiệp và khẳng định tầm quan trọng, tính cấp thiết của quá trình này. Không chỉ vậy, CĐS nông nghiệp còn giúp nông dân sản xuất với chi phí thấp, nhưng bán ra với giá cao. Người sản xuất được kết nối trực tiếp, đưa nông sản tới tay người tiêu dùng, hạn chế khâu trung gian. Đồng thời, giúp mọi người kết nối với nhau dễ dàng, thuận lợi hơn. Qua đó khẳng định, CĐS trong nông nghiệp là xu thế tất yếu đối với mọi doanh nghiệp, HTX nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.
Báo Bình Phước