Không khỏi thán phục khi dõi hết hành trình vượt qua số phận của chàng trai khiếm thị Nguyễn Hữu Phước (30 tuổi, ở xã Phổ Cường, thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi). Anh sinh ra trong một gia đình đến bốn thế hệ khiếm thị, bản thân bẩm sinh đã mù lòa. Tuy nhiên, anh đã từng bước vượt qua khỏi lằn ranh của thân phận mù lòa, ấp ủ ước mơ “hồi sinh” câu ca, làn điệu dân ca xứ sở…
Cuộc đời của Phước được người cha là nghệ sĩ Nguyễn Làm (68 tuổi) dẫn dắt. Ông Làm cũng là người khiếm thị, từng là giảng viên, công tác trong các bộ môn nhạc cụ dân gian tại Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (TP Hồ Chí Minh). Về sau, ông Làm về quê, lấy nghiệp cầm ca lang bạt mưu sinh.
Từ nhỏ, tiếng đàn của cha đã “ăn” sâu vào tâm thức cậu Phước. Dẫu bị mù, nhưng Phước có khả năng cảm thụ âm sắc nhạy bén. Lên 5 tuổi, cậu mù hẳn, một lần sờ tay vào cây đàn bầu của cha, Phước đã gẩy lên được làn điệu ngắn của bài “Lý chiều chiều” (Dân ca Nam Bộ). Từ đó, ông Làm nhen nhóm hy vọng đào tạo và hướng cuộc đời con trai theo con đường âm nhạc.
Vậy là 5 tuổi, Phước học đàn bầu và sớm thạo với các ngón đàn bầu của cha. Đến 6 tuổi, ông Làm gửi con trai vào Trường Nguyễn Đình Chiểu để học năng khiếu, tìm cơ hội mổ mắt cho con. Trong một buổi diễn văn nghệ chào mừng kỷ niệm nhà trường có đồng chí Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước (khi đó là Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh) tham dự. Phước được nhà trường chọn lên biểu diễn tiết mục “Ơn nghĩa sinh thành” bằng đàn bầu. Nghe tiếng đàn của Phước, bác Trương Tấn Sang đã lên ôm cậu bé và khen ngợi tài năng cậu.
Lên 8 tuổi, được Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP Hồ Chí Minh tài trợ, sau ba lần phẫu thuật, Phước được phẫu thuật mắt, nhìn thấy 40%. Rồi Phước theo cha về quê và cùng ông đi biểu diễn dạo mưu sinh. “Nhiều khi cùng cha đến đất lạ biểu diễn, trẻ con và nhiều người ác ý trêu chọc, cười cợt vì chúng tôi mù lòa. Có hôm, người ta nghi ngờ cha con tôi giả mù… khiến tôi rất tổn thương. Đôi lúc, tôi như người tự kỷ, chỉ muốn ở một mình. Rất may, nhờ cha luôn sát cánh động viên nên tôi cứng rắn hơn”, Phước kể. Ông Làm cũng căn dặn con trai, năng khiếu bẩm sinh đôi khi trở thành tai họa đối với nhiều người nếu không chịu rèn giũa. Ông khuyên con, muốn trở thành người có ích cho xã hội, được xã hội tôn trọng thì cần phải có học thức, văn hóa.
Hồi gia đình ông Làm còn rất nghèo, mỗi năm giáp hạt thường lo bị đói ăn. Nhiều lần, ông đơn độc qua nhiều vùng xa xôi để biểu diễn mới đủ nuôi sống gia đình. Nhưng để cuộc sống của con tốt hơn, ông quyết định cho Phước đi học văn hóa và hòa nhập. Ông khăn gói tìm tòi, liên hệ khắp tỉnh Quảng Ngãi. Về sau, nhờ các mối quan hệ bạn bè, ông xin được cho con vào học lớp hòa nhập tại một ngôi trường ở Phổ Khánh (thị xã Đức Phổ). Đến năm 2007, nghe ở Hà Nội có trung tâm đào tạo phục hồi chức năng cho người mù, ông Làm gồng gánh đưa con ra bắc học ngành tin học – ngoại ngữ.
Cứ thế ròng rã suốt 11 năm, ông Làm đưa con trai học đến 7 ngôi trường trong và ngoài tỉnh. Năm 2012, Phước tốt nghiệp phổ thông hệ bổ túc và có thể đọc được mặt chữ sáng, gõ được bàn phím máy tính. Từ năm 2013 đến 2015, Phước học chuyên ngành đàn bầu, nhạc cụ organ, nghệ thuật dân gian tại Thừa Thiên Huế và TP Quy Nhơn (Bình Định). Cũng tại Quy Nhơn, hạnh phúc đến khi Phước làm quen và kết duyên với chị Lại Thị Mỹ Lý (29 tuổi, cùng quê ở Phổ Cường).
Lan tỏa âm nhạc với đời thực
Trở về quê nhà năm 2017, Phước xin vào sinh hoạt trong ngành văn hóa, văn nghệ thị xã Đức Phổ. Anh đã sáng tác nhiều ca khúc chuyển thể từ nhiều làn điệu dân ca, bài chòi phục vụ cộng đồng với các nội dung chống dịch, chống bão lũ, bài trừ tệ nạn… Sau đó, Phước đã xin chủ trương thành lập câu lạc bộ (CLB) âm nhạc Đức Phổ nhằm xây dựng tinh thần tập thể tự nguyện trong các phong trào văn hóa, văn nghệ; đồng thời phát hiện, hỗ trợ những nhân tố điển hình; sưu tầm, phát triển các làn điệu dân ca, bài chòi…
Phước tâm sự: “Ở Quảng Ngãi và các tỉnh Nam Trung Bộ có di sản quý giá được nhân loại tôn vinh là bài chòi. Vậy mà rất ít người trẻ, cộng đồng quan tâm phát triển bài bản giá trị di sản quý báu này”. Nhiều năm trước, Phước tìm được làng bài chòi rất tập trung ở Gò Cỏ (phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ). Tại đây, cả làng đều mê hát hố, bài chòi nhưng do không nắm rõ câu ca, làn điệu và thể loại nên bà con chỉ biểu diễn cho nhau nghe ngẫu hứng và còn dè dặt. Vì vậy, Phước đã mở lớp học cộng đồng để giúp dân làng hệ thống lại từng câu ca, làn điệu, thể loại. Trong đó, cậu chỉ ra rõ các làn điệu bài chòi, như xuân nữ, cổ bản, xàng xê, hò Quảng…
“Về sau, khi bà con nắm vững được kiến thức cơ bản thì cứ theo đó phát triển, biến thể theo tâm tư, tình cảm và đời sống của mình. Rất nhanh, cộng đồng Gò Cỏ tiếp thu và thành lập các nhóm, tổ, câu lạc bộ hát hố, bài chòi, vá lưới… để làm du lịch cộng đồng. Bà con mang đời sống, tâm tư, tình cảm và âm nhạc của xứ sở để đón tiếp, phục vụ khách du lịch và tạo ra thu nhập”, Phước cho biết.
Năm 10 tuổi (2002), Phước giành Huy chương vàng tiết mục độc tấu đàn bầu “Dáng đứng Bến Tre” tại Liên hoan nghệ thuật quần chúng Quảng Ngãi; 14 tuổi (2006), giành Huy chương vàng tại Liên hoan Tiếng hát từ trái tim do Bộ Văn hóa – Thông tin và Hội Người mù Việt Nam tổ chức, với tiết mục “Quảng Ngãi hát mãi về anh”. Trong năm 2015, Phước nhận Huy chương bạc tiết mục độc tấu organ bản nhạc “Czardas” tại Hội thi tài năng trẻ học sinh – sinh viên toàn quốc năm 2015; giải nhất tiết mục “Bác ơi xin Bác yên nằm” tại Liên hoan Dân ca bài chòi lần thứ III.
Vừa qua, Phước đã xin chính quyền thành lập CLB bài chòi Đức Phổ với lý tưởng mở không gian để “hồi sinh” câu ca làn điệu xứ sở, dân ca, bài chòi. Để tìm những “hạt giống” bài chòi, dân ca trẻ, Phước tìm đến các trường học rồi đăng ký để biểu diễn miễn phí các tiết mục dân ca, hô bài chòi… Ngoài ra, Phước cũng tận dụng không gian trong nhà mình để mở lớp dạy nhạc cụ giúp đỡ những người trẻ có năng khiếu âm nhạc theo đuổi giấc mơ, trong đó dạy miễn phí cho các em khiếm thị, dị tật bẩm sinh. “Ở những vùng quê nghèo, nhiều đứa trẻ rất có tài năng âm nhạc, nhưng do không có môi trường, không có nơi để học nghề nên rất thiệt thòi. Nhiều em dù bị tật bẩm sinh nhưng lại có năng khiếu, cảm thụ âm nhạc rất tốt. Chỉ cần có thầy dạy và có môi trường để biểu diễn là các em ấy tỏa sáng, sống tích cực, vui vẻ hơn”, Phước nói.
Hôm chúng tôi đến, Phước đang hỗ trợ cho hai bạn trẻ bị dị tật hở hàm ếch về chuyên ngành sáng tác, kỹ năng nhạc cụ. Anh cũng đang hướng dẫn tại nhà cho hơn 30 bạn trẻ với các nhạc cụ: đàn bầu, piano, organ, ca hát dân ca, bài chòi… Ngoài ra, Phước đang mở hai lớp dạy online các loại nhạc cụ dân gian, hiện đại cho hàng chục bạn trẻ trong nước và con em Việt kiều ở nước ngoài…