Đối với những cán bộ y tế, sức khỏe, tính mạng bệnh nhân luôn được đặt lên trên hết. Nhiều người dành khả năng chuyên môn, tâm sức và có khi cả máu của mình để cứu giúp người bệnh. Nghĩa cử cao đẹp ấy làm sáng thêm y đức của những “blouse trắng”…
Trong 7 năm qua, anh Bùi Đức Hiển, điều dưỡng viên Khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa Hưng Thịnh đã nhiều lần hiến máu tình nguyện, trong đó có những lần anh hiến máu cứu bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch. Anh Hiển nhớ nhất lần một bệnh nhân bị tai nạn giao thông cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, mất rất nhiều máu. Sau khi nhận được thông tin của bệnh viện kêu gọi hỗ trợ máu cho người bệnh, anh lập tức đến đăng ký và hiến máu.
“Là điều dưỡng ngoại khoa, tôi hiểu máu quan trọng như thế nào khi điều trị, cấp cứu bệnh nhân bị chấn thương, tai nạn, phẫu thuật… Lúc đó, tôi không nghĩ gì nhiều, chỉ cố gắng có mặt thật nhanh để hỗ trợ người bệnh” – anh Hiển bộc bạch.
Sau khi hiến máu, anh Hiển chỉ nán lại ít phút để ổn định thể trạng rồi lại lặng lẽ trở về tiếp tục công việc. Chúng tôi hiểu rằng, anh coi đó là việc làm rất bình thường, có thể thực hiện khi sức khỏe cho phép và hơn hết đó là lương y của người thầy thuốc.
Sáng Chủ nhật vừa qua, bác sỹ Đỗ Văn Lâm, Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh trở về nhà nghỉ ngơi sau khi kết thúc ca trực. Tuy nhiên, buổi trưa, anh nhận được cuộc điện thoại của đồng nghiệp thông báo về việc một sản phụ đang mổ cấp cứu và mất máu nghiêm trọng, cần nhóm máu B. Khi đó đã gần 12 giờ, bữa cơm gia đình đã tươm tất, bác sỹ Lâm vẫn buông đũa, tức tốc trở lại bệnh viện hiến máu cứu người.

Đó là sản phụ ở Cốc Ly (Bắc Hà) được người nhà đưa đến viện trong tình trạng đau bụng, mệt mỏi. Sau khi làm các xét nghiệm, các bác sỹ chẩn đoán sản phụ thai 9 tháng chết lưu, chuyển dạ lần 8 và có hàng loạt triệu chứng nặng. Các bác sỹ phải mổ cấp cứu lấy thai lưu, cắt tử cung bán phần để cứu sống người bệnh. Do bệnh nhân bị mất máu nhiều, trong khi nguồn máu dự trữ của bệnh viện có hạn, bác sỹ Lâm và điều dưỡng Hoàng Thị Thúy Hằng, Khoa Hồi sức sơ sinh đã tiếp cho bệnh nhân 2 đơn vị máu. Nhờ được tiếp máu kịp thời, bệnh nhân trải qua phẫu thuật an toàn.
Qua trò chuyện, chúng tôi được biết anh Đỗ Văn Lâm lựa chọn theo học nghề y với mong muốn cứu giúp được nhiều người bệnh. Ngay khi còn là sinh viên, anh đã có 16 lần hiến máu tình nguyện. “Với tôi, hạnh phúc đơn giản là sự sẻ chia, một giọt máu cho đi một cuộc đời ở lại, nếu bệnh nhân cần, tôi sẵn sàng cho đi những giọt máu của mình” – bác sỹ Lâm chia sẻ.
Hành động của những cán bộ y tế như anh Hiệp, anh Lâm, chị Hằng thật xứng đáng được ngợi ca. Hiện nay, tỉnh chưa có kho dự trữ và bảo quản máu, bởi vậy việc phát triển nguồn máu dự bị, ngân hàng máu sống là rất quan trọng.
Mỗi giọt hồng là mỗi câu chuyện khác nhau, nhưng họ đều có chung một tâm nguyện đó là trao đi món quà vô giá để tiếp thêm nguồn sống cho người bệnh. Với nghĩa cử cao đẹp mà thầm lặng, những cán bộ y tế thấy ấm lòng khi biết người bệnh đã được cấp cứu thành công, vượt qua nguy kịch, hồi phục sức khỏe. Đối với họ, đó là niềm vui, động lực để gắn bó, cống hiến với nghề. Phong trào hiến máu tình nguyện lan tỏa trong các đơn vị y tế, tạo nên nét đẹp nhân văn sâu sắc để nỗi đau đi qua, tình người còn mãi.