“Ngày ý nghĩa nhất”
“Không ai biết trước được ngày mai sẽ xảy ra chuyện gì, nếu có chuyện gì không may xảy ra thì tấm thẻ hiến tạng sẽ là một món quà vô cùng ý nghĩa đến cho những người khác”. Đó là chia sẻ của Nguyễn Hương Giang – á khôi 1 Nét đẹp sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng, TP.HCM (2023) – khi vừa đăng ký hiến tạng ở tuổi 19.
Hương Giang kể trong một lần phát cơm từ thiện tại bệnh viện, bạn tình cờ biết được câu chuyện của một cô khi ra nhận cơm.
Cô nói đã rong ruổi khắp các bệnh viện để tìm thận ghép cho con trai đang mắc suy thận giai đoạn cuối.
Tìm hiểu nhiều hơn về nỗi đau mà các bệnh nhân như con của cô đang phải chịu đựng từng ngày, Hương Giang thấy mình như được thôi thúc phải làm gì đó.
“Mình đã đăng ký hiến tạng vào ngày sinh nhật và đó cũng chính là ngày ý nghĩa nhất trong tuổi 19 của mình cũng như là món quà mình dành tặng cho mọi người. Hạnh phúc sẽ không thể cạn nếu chúng ta biết cho đi và chia sẻ”, Hương Giang nói.
Giống như Hương Giang, bạn Bích Ngọc – sinh viên năm nhất Trường ĐH Nguyễn Tất Thành – cũng vừa tham gia hiến tạng. Lúc đầu khi chia sẻ ý tưởng với những người xung quanh, Bích Ngọc vấp phải những sự phản đối quyết liệt.
Gia đình Ngọc giữ quan niệm khi chết thì phải “toàn thây”, còn chết đi mà không được nguyên vẹn về cơ thể là một điềm gở. Còn bạn bè khuyên Ngọc không nên vì bạn còn trẻ, đăng ký lúc này khá xui rủi.
“Mình cũng đã suy nghĩ rất nhiều, và nói thật nghe mọi người nói vậy, đôi lúc mình cũng sợ. Liệu có thật sự đáng sợ như mọi người kể?”, Ngọc bộc bạch. Tuy nhiên, điều tiếp thêm động lực cho Ngọc là nghĩ đến việc mình có thể giúp đỡ cho rất nhiều người khác.
Học chuyên ngành dược, Ngọc cũng nghe nhiều câu chuyện người hiến tạng cứu sống được rất nhiều người. “Sự không toàn vẹn của một người khi mất đi đôi khi là “liều thuốc” cho sự hồi sinh của rất nhiều người khác. Vậy là mình đăng ký”, Ngọc nói.
Nối dài sự cho đi
Bạn Đinh Thục Trang – sinh viên Trường ĐH Sài Gòn – đã đăng ký hiến tạng khi vào học đại học. Với Trang, đây không phải là điểm dừng mà là đòn bẩy để bạn tham gia thêm nhiều hoạt động cộng đồng khác.
Chẳng hạn, Trang thường chia sẻ với bạn bè của mình để người trẻ có những suy nghĩ lạc quan hơn về quan niệm hiến tạng. Mong muốn sau cùng là sẽ có nhiều người trẻ cởi mở, từ đó cũng hỗ trợ thêm được nhiều người khác xung quanh trong tương lai.
Xa hơn, Trang muốn gieo câu chuyện cho đi nói chung, cống hiến cho cộng đồng từ những việc làm nhỏ nhất. Trang là thành viên “quen mặt” trong những buổi hiến máu tình nguyện, những hoạt động tình nguyện cần sinh viên tham dự.
Không chỉ tham gia công tác đoàn hội, câu lạc bộ tại trường, từ năm 2022, Thục Trang đã trở thành phó bí thư Đoàn phường 13, quận 3 (TP.HCM).
Tương tự, Hương Giang xem tấm giấy xác nhận hiến tạng là một cột mốc trên hành trình sinh viên cống hiến cho xã hội của mình.
Hằng tuần, Hương Giang tham gia nấu cơm từ thiện cho các trẻ em mồ côi và các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Giang cũng thường đến chùa hỗ trợ làm thiện nguyện.
“Hạnh phúc sẽ không thể cạn nếu chúng ta biết cho đi và chia sẻ”, Hương Giang nói.
Tín hiệu đáng mừng
Bác sĩ Lê Trần Thùy Trang (khoa nội Bệnh viện Nhân dân Gia Định) cho biết đứng sau thành công của những ca phẫu thuật ghép tạng ngoài sự tiến bộ trong công nghệ kỹ thuật, sự ăn ý giữa bác sĩ và bệnh nhân thì không thể không kể đến những vị “anh hùng thầm lặng” – những người đã hiến tạng.
Theo bác sĩ Trang, số lượng người đăng ký hiến tạng ngày càng tăng, đặc biệt ở các bạn trẻ, là một tín hiệu đáng mừng cho thấy tình người, tình yêu thương được phát huy mạnh mẽ.
Việc hiến tạng không chỉ có ý nghĩa đối với ngành y tế mà còn chứa đựng tinh thần nhân đạo, tính nhân văn cao cả.
Sưu tầm