Mở rộng hợp tác trong lĩnh vực giáo dục giúp những người làm công tác giáo dục ngày càng có nhiều điều kiện, cơ hội đi nước ngoài giao lưu, học tập, nghiên cứu để tiếp thu tinh hoa tri thức nhân loại, làm giàu thêm kho tri thức của bản thân, phục vụ tốt hơn công tác giảng dạy.
Tuy nhiên, do “sức đề kháng” kém nên không ít người đã quay lưng, trở nên tôn sùng, ngợi ca một cách chủ quan những giá trị bề ngoài, hào nhoáng của xã hội, lối sống của nước sở tại, quay lại chê bai đất nước, nhất là ở trên bục giảng, với học trò của mình. Tuy chỉ là số ít nhưng sự nguy hại từ những thầy cô sính ngoại này là rất lớn vì thông qua bài giảng của mình, họ có thể tiêm nhiễm, “đầu độc” tư tưởng sùng ngoại tới hàng trăm, hàng nghìn học sinh, sinh viên…
Sùng ngoại – bài nội
Thầy, cô giáo sính ngoại vì nhiều lý do: Có người do nhận thức chính trị, thiếu kiến thức, thiếu hiểu biết nên bị lợi dụng, kích động; có người chỉ là vô tình; nhưng cũng có người có tư tưởng phản động, chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa… Dù vô tình hay cố ý, những thầy, cô giáo sính ngoại đều chẳng khác nào là trung gian tiếp sức, “nối giáo cho giặc”, giúp các thế lực thù địch, phản động thực hiện những chiến dịch tuyên truyền, chống phá, hủy hoại thế hệ tương lai của nước nhà.
Biểu hiện chung của thầy, cô giáo mắc bệnh sính ngoại là: Muốn khoe khoang, chứng tỏ ta đây học rộng biết nhiều, được đi đây đi đó… nên quá trình giảng bài, họ thường kể về những điều được thấy, được trải nghiệm ở nước ngoài như phát hiện mới về một nền văn minh, “đỉnh cao” của xã hội loài người với giọng điệu đầy tán dương, ca ngợi, thán phục. Nhằm thuyết phục thêm, họ lại chỉ lấy những ví dụ và đề cập đến một số hạn chế, bất cập về tình hình kinh tế-xã hội đất nước bằng giọng chê bai, chế giễu hoặc buông một câu lấp lửng “Việt Nam ta thì…” với thái độ bất mãn, tiêu cực. Nhiều người còn ra sức tuyên truyền, quảng bá, tô vẽ, khuếch trương nền giáo dục phương Tây, coi đó là điểm đến lý tưởng, con đường duy nhất để thế hệ trẻ Việt Nam có điều kiện làm “rạng rỡ tương lai, mở mang tiền đồ của đất nước”. Từ đó từng bước nhồi nhét, cài đặt tư tưởng sùng ngoại, bài nội, dần tác động thay đổi tận gốc nhân cách, tạo ra một tầng lớp trí thức mới đề cao chủ nghĩa tư bản, lối sống phương Tây, lệch lạc về giá trị đạo đức và lối sống, đề cao hưởng thụ, sống thực dụng, ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa, thiếu trách nhiệm với cộng đồng.
Ảnh minh họa/ TTXVN |
PGS, TS Hà Huy Phượng, giảng viên cao cấp Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng: “Đây là “căn bệnh” không chỉ của riêng một số ít thầy, cô giáo khi được ra nước ngoài học tập, công tác. Nhiều cán bộ, công chức, viên chức được cơ quan cử đi học tập, công tác nước ngoài cũng dễ “nhiễm bệnh” sính ngoại. Họ dễ bị choáng ngợp với những giá trị công cộng mà nước họ đến đạt được, rồi đem so sánh với đất nước mình và chê bai đường lối lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và những thành tựu từ mồ hôi, xương máu của nhân dân. Nguyên nhân lớn nhất để nảy sinh “căn bệnh” sính ngoại lại bắt đầu từ khâu tổ chức các đoàn cán bộ đi công tác. Thường thì có những đoàn cán bộ khi đi nước ngoài chỉ họp đoàn bàn về nội dung chương trình, việc ăn ở, đi lại chứ ít quan tâm quán triệt những vấn đề liên quan đến tư tưởng chính trị, văn hóa… cho các thành viên khi đi ra nước ngoài, nên chuyện phát ngôn chưa chuẩn mực hoặc bị nhiễm “bệnh” sùng ngoại xảy ra là điều dễ hiểu…”.
Chính vì sùng bái, mải mê ca ngợi một chiều các giá trị bề nổi, hào nhoáng của xã hội tư bản nên những thầy cô này chỉ “thấy cây mà không thấy rừng”; họ không giúp học sinh, sinh viên thấy rõ những điều còn hạn chế của nước ngoài, nhất là ở các nước tư bản như sự bất công trong xã hội, khoảng cách giàu-nghèo…; họ cũng chưa thấy hết những thành quả, thành tựu đổi mới, xây dựng và phát triển của đất nước; vai trò, sự lãnh đạo của Đảng; chưa phân tích rõ những mặt tích cực, tiêu cực và nguyên nhân của nó; chưa nghiên cứu kỹ các chủ trương, giải pháp của Đảng trong khắc phục, giải quyết những vấn đề còn hạn chế, yếu kém… để từ đó giúp học sinh, sinh viên nhận thức đầy đủ vai trò, trách nhiệm trước những vấn đề thời cuộc và với sự nghiệp cách mạng của Đảng ta. Rơi vào tay những người thầy này thì ít hay nhiều, sớm hay muộn học sinh, sinh viên cũng dễ bị gieo rắc, “đầu độc” và có thể hình thành tư tưởng thực dụng, quay lưng với lịch sử, truyền thống dân tộc, chạy theo những cám dỗ vật chất tầm thường. Nguy hiểm hơn nữa là những học sinh, sinh viên bị tiêm nhiễm tư tưởng xấu sẽ lây nhiễm suy nghĩ, cái nhìn lệch lạc tới bạn bè, người thân như vết dầu loang rất khó phòng ngừa. Xin dẫn chứng một vài trường hợp:
Đó là một giáo sư, tiến sĩ từng giảng dạy trong lĩnh vực xây dựng, nhưng khi về hưu, ông này đã viết, tán phát nhiều bài viết trên các trang mạng hải ngoại, cá nhân, núp bóng chiêu bài “phản biện” các chính sách để chống Đảng, phủ nhận những thành quả từ sự lãnh đạo của Đảng, phê phán Chủ nghĩa Mác-Lênin, kêu gọi thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập… Song, đó chỉ là bề nổi, điều mà nhiều người quan tâm, lo ngại qua trường hợp này là liệu có phải chỉ sau khi nghỉ hưu ông này mới có những tư tưởng, quan điểm lệch lạc này hay nó đã nảy sinh, tích tụ từ bao giờ? Và suốt thời gian đứng trên bục giảng, ông này có “lồng ghép”, truyền bá những suy nghĩ lệch lạch của mình vào các bài giảng hay không?
Một trường hợp nữa là giáo viên âm nhạc ở tỉnh Đắk Lắk vừa bị Tòa án Nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng tuyên y án 8 năm tù giam và 4 năm quản chế về tội danh “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Được biết đến là thầy giáo dạy nhạc hát hay và có kiến thức tốt về âm nhạc, thế nhưng thay vì vận dụng kiến thức, hiểu biết đã học được để truyền tải những lời hay ý đẹp, kiến thức âm nhạc cho các thế hệ học trò thì ông này lại lợi dụng ngay cả diễn đàn dạy học để xuyên tạc, nói xấu Đảng, Nhà nước, đả kích chế độ.
Tu tài phải gắn chặt với dưỡng đức
Hội nhập giáo dục là một phần tất yếu trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước ta. Nó mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít nguy cơ, thách thức. Thực tế là đã có những âm mưu lợi dụng hợp tác quốc tế về giáo dục-đào tạo để hòng tạo ra một lớp người Việt Nam có quan điểm, tư tưởng không phù hợp với những đường lối, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta. Chiêu trò này nhằm vào đối tượng là thanh niên, sinh viên để tiêm nhiễm, kích động tư tưởng chống đối trong giới trẻ thông qua đội ngũ giáo viên, giảng viên thoái hóa về tư tưởng chính trị. Vì vậy, người làm công tác giảng dạy cần thấy được vinh dự lớn của bản thân khi được tổ chức tin tưởng, tín nhiệm cử đi giao lưu, học tập, nghiên cứu ở nước ngoài; lấy đó làm động lực để nỗ lực phấn đấu, trách nhiệm hơn với công việc của mình, của đơn vị mình; ra sức học tập, nghiên cứu, tiếp thu tinh hoa tri thức nhân loại, làm giàu hơn kho tri thức của bản thân, từ đó phụng sự sự nghiệp giáo dục-đào tạo của đất nước. Chỉ có không ngừng tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, nhân cách, tiếp thu tri thức thì người thầy mới có cái nhìn toàn diện, sâu sắc; mới phân biệt rõ cái hay, cái dở để từ đó có thái độ ứng xử phù hợp, nhân rộng cái hay, thu hẹp cái dở, giúp học sinh, sinh viên của mình luôn có cái nhìn tiến bộ, tích cực.
Thời nào cũng vậy, thanh niên, học sinh, sinh viên luôn là thành phần tiên phong trong tiếp thu cái mới, hăng hái, nhiệt tình trong hoạt động thực tiễn. Họ cũng là đội ngũ có kiến thức nên càng năng động, nhạy cảm với cái mới, khát khao đổi mới. Thế nhưng họ lại chưa đủ “độ chín” về tư tưởng chính trị, dễ bị cảm xúc lấn át nên thường thiếu sâu sắc khi phân tích, nhận định những vấn đề về chính trị-xã hội, cái tích cực-tiêu cực trong xã hội đa chiều, phức tạp. Vì vậy, nếu không được định hướng kỹ càng, sâu sát, rất có thể họ sẽ phạm sai lầm trong nhận thức và hành động. Do đó, họ rất cần được những người thầy vừa có tâm trong sáng vừa có tầm cao trình độ kiến thức dìu dắt, định hướng để thực sự trở thành những chủ nhân tương lai của đất nước.
NGUYỄN ĐỨC TUẤN