Trên bàn làm việc của Lan Phương có một chiếc răng sữa mới rụng, cô nói sẽ lưu nó trong hộp đựng những chiếc răng đầu tiên được thay của học sinh trường Hope.
Mấy ngày trước, chuyện chiếc răng lung lay của cậu bé 7 tuổi tên Quang đã đến tai cô Nguyễn Ngọc Lan Phương, nhân viên y tế. Cô gọi lại kiểm tra răng nhưng Quang khóc toáng rồi chạy vụt đi. Từ hôm đó, cứ thấy cô Phương ở đâu là thằng bé trốn.
Không biết ai thuyết phục, mấy hôm sau Quang đứng thập thò ở cửa phòng y tế, đồng ý nhổ. Chiếc răng cửa chạm nhẹ đã rụng. Phương cho cậu súc miệng, không quên khen can đảm. Thằng bé gượng cười dù nước mắt vẫn đang giàn giụa.
“Ở nhà, bố mẹ thường lưu giữ những chiếc răng sữa thay đầu tiên của con. Quang không còn mẹ nên tôi sẽ giữ”, Phương, 26 tuổi, chia sẻ.
Hope school là ngôi trường ở Đà Nẵng đang nuôi dưỡng 230 trẻ mồ côi vì Covid-19. Trước khi về đây, Phương là nhân viên phục hồi chức năng tại Làng Hòa Bình, Quảng Nam. Nghe tin về một ngôi trường nuôi dạy những trẻ mất cha mẹ do đại dịch, cô gái trẻ xin vào làm từ tháng 1/2022, trở thành một trong những thầy cô đầu tiên.
Nhận công tác tại Hope School từ tháng 11/2022, cô Trần Thị Tú Điển, 29 tuổi, được giao nhiệm vụ hỗ trợ học tập và quản sinh. Dạy tiểu học 7 năm, nhưng Điển chưa từng thấy có một ngôi trường nào giống ở đây.
“Lẽ thường, sau nhà trường vẫn còn cha mẹ, có vấn đề gì có thể liên hệ trực tiếp. Nhưng các em ở Hope không còn cha mẹ, hoặc thiếu một trong hai, đòi hỏi người giáo viên trách nhiệm cao hơn. Nhiều lúc tôi cảm tưởng mình như cha mẹ của các em”, cô Điển nói.
Một trong những đặc trưng của Hope School là theo mô hình trường thiếu sinh quân. Là một bộ đội xuất ngũ và giáo viên thể dục, thầy Thân Thiên Thanh, 26 tuổi sẽ đảm bảo cho học sinh rèn luyện nề nếp, tác phong và sức khỏe.
Các con được học kỹ năng gấp chăn màn, ăn ngủ đúng giờ như quân đội. Sau hai hồi, 9 tiếng kẻng của thầy Thanh vang lên mỗi 5h30′ sáng, học sinh ùa xuống sân trường, nhanh chóng tập trung thành hàng lối để tập thể dục. Chiều tan học trở về, các em sẽ tham gia vào những câu lạc bộ khác nhau trong trường như bóng chuyền, bóng rổ, bóng đá, vovinam.
Tại ngôi trường Hy vọng, những thầy cô giáo trẻ như Phương, Điển hay Thanh còn làm cha, làm mẹ của học sinh, mà như thầy Quyền thường nói “các thầy cô đang được học làm cha mẹ khi chưa có con”.
Theo: Báo VnExpress – ĐT