Chị Hồ Thị Hương (34 tuổi, người đồng bào Tà Ôi, trú tại xã Trung Sơn, H.A Lưới, Thừa Thiên-Huế), là một trong những thanh niên tiêu biểu trong việc mạnh dạn làm du lịch cộng đồng gắn liền với việc giữ gìn bản sắc dân tộc để phát triển kinh tế.
Niềm nở chào khách, bà chủ khu du lịch sinh thái bắt đầu kể về hành trình khởi nghiệp bằng nụ cười tươi: “Bản thân tôi được sinh ra trong một gia đình Tà Ôi nên từ bé tôi đã chứng kiến cảnh bố mẹ chật vật trồng cây ngô, cây sắn trên đất “lửa”. Khi trưởng thành, tôi không bằng lòng với cuộc sống làm nông, đi rẫy nên luôn ấp ủ phải làm giàu trên chính vùng đất này”.
Học xong kế toán, chị quyết định trở về quê, mang theo bao ước mơ, hoài bão. Thời điểm này, cô gái Tà Ôi rong ruổi vào những bản làng xa xôi để cùng người dân nghiên cứu phát triển nghề dệt dèn (dệt vải thổ cẩm).
“Theo phong tục, phụ nữ Tà Ôi đi lấy chồng thì phải có một tấm vải thổ cẩm nên chúng tôi được dạy dệt từ nhỏ, độ 10 tuổi con gái trong bản ai cũng đã thành thạo. Sau này, khi giao thông thuận tiện, thị trường mở rộng, nhận thấy nhu cầu mua vải thổ cẩm rất lớn nên tôi mạnh dạn kêu gọi thêm những người trẻ trong bản chung tay để phát triển kinh tế từ nghề thủ công này”, chị Hương bồi hồi nhớ lại.
Lượng khách khắp nơi tìm đến chị mua thổ cẩm tăng cao, nữ thanh niên 9X mạnh dạn thành lập Hợp tác xã sản xuất và phân phối thổ cẩm A Lưới.
Nhớ lại hành trình đã qua, chị Hương phấn khởi vì với công việc này đã giúp bao nhiêu thanh niên từng mất định hướng có công ăn, việc làm ổn định, mang lại nguồn thu nhập tốt cho chính họ. “Tôi và các bạn trẻ kiếm tiền chủ yếu từ việc phân phối sản phẩm online và cho khách du lịch trải nghiệm, đã có những hợp đồng lên đến 300 – 400 triệu đồng”, chị Hương vui vẻ chia sẻ.
Khi công việc tại hợp tác xã thổ cẩm dần ổn định, chị Hương tiếp tục “nuôi mộng” làm giàu từ du lịch cộng đồng, xa hơn là để đưa nét văn hóa vùng cao của người Tà Ôi đến với du khách thập phương.
Đầu năm 2023, địa danh A Lưới xuất hiện nhiều trên bản đồ du lịch, được ví như một viên ngọc xanh đang chuyển mình, đón hàng trăm lượt khách ghé thăm, chị Hương mạnh dạn vay tiền, mua hơn 3.000 m² đất bên bờ suối ở thôn Đút 1 (xã Hồng Kim) để xây dựng một khu du lịch sinh thái mang tên Hương Rừng.
“Mỗi lần đi qua khu đất này tôi đều xót xa vì cảnh đẹp nhưng lại bỏ không, trồng cây gì cũng không lên bởi người dân ở quê tôi vốn quen với việc trồng trọt truyền thống. Ngỏ ý mua đất thành công, tôi và những thành viên trong gia đình nhanh chóng bắt tay vào cải tạo, trồng hoa, tiểu cảnh. Trong 20 ngày, đứa con tinh thần mang tên Hương Rừng cũng chính thức đi vào hoạt động trong niềm vui vỡ òa”, chị Hương nhớ lại.
Anh Nguyễn Trọng (28 tuổi), du khách lưu trú tại đây, cho rằng Hương Rừng “hút” khách bởi vẫn giữ được những nét văn hóa độc đáo của người dân vùng cao A Lưới, từ các nếp nhà sàn bên bờ suối, món ăn giản dị, đến các ngành nghề truyền thống như dệt dèn, giã gạo… của người dân sống dưới dãy Trường Sơn hùng vĩ.
Mỗi ngày, ngoài làm các công việc vườn tược, vệ sinh buồng phòng, chế biến món ăn phục vụ du khách… chị Hương còn dành thời gian để nghiên cứu, đưa du khách đi trải nghiệm các tour tại các bản làng xa xôi của H.A Lưới.
Bà chủ trẻ của khu du lịch sinh thái này tiết lộ vào những tháng cao điểm, công việc này đã mang lại cho chị nguồn thu nhập “khủng”, có thời điểm trừ hết các chi phí, chị Hương thu về từ 100 – 150 triệu đồng/tháng.