Lớp học đặc biệt giữa lòng thành phố
Mặc dù 17 giờ 30 phút, lớp học tình thương dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đặt tại Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Học tập cộng đồng liên phường 1 – phường 3, TP.Tân An mới bắt đầu nhưng cô Liêm đã có mặt từ rất sớm. Cô đến để vệ sinh lớp, chuẩn bị bánh, sữa cho những trẻ chưa kịp về nhà ăn cơm chiều lót dạ sau giờ mưu sinh trước khi vào lớp học.
Có em đến lớp còn cầm trên tay xấp vé số, có em vừa đến nơi thì chạy vào lớp xin cô Liêm cái bánh, chai nước,… Em nào cũng khoanh tay: “Thưa cô, con mới tới”. Cô Liêm kể: “Lớp học có 24 trẻ là 24 hoàn cảnh khác nhau, có em mồ côi, bán vé số; có em làm phục vụ quán ăn; cũng có em đi giữ trẻ thuê;…
Như em Lâm Thái Hoàng Ngọc, ban ngày vừa giữ em, vừa dọn dẹp nhà cửa cho một người quen, thậm chí, buổi trưa còn phải đi xin cơm đem về nhà trọ cho mẹ ăn bởi mẹ em không đi làm, sa ngã vào các tệ nạn xã hội. Còn đứa này (cô vừa nói vừa vuốt tóc em Nguyễn Thị Bích Vân), bữa nào bán không hết vé số là về bị mẹ đánh. Hoàn cảnh vậy nhưng đứa nà o cũng ham học, thương lắm!”.
Có lẽ phải có một trái tim yêu thương sâu sắc thì cô Liêm mới biết rõ hoàn cảnh, tính nết từng em. Và cũng chính tình thương yêu đó mà cô đã gắn bó với lớp học gần 30 năm nay. Cô Liêm tâm sự: “Công tác tại Hội Chữ thập đỏ tỉnh nên tôi biết khá nhiều hoàn cảnh khó khăn, có em không được đến trường mà phải vào đời mưu sinh sớm.
Không biết chữ, ít được cha mẹ quan tâm dạy bảo, nhiều em ngỗ nghịch, nói tục và trộm cắp. Trăn trở với điều đó, tôi bàn bạc với một số bạn bè mở lớp học tình thương tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu. Năm 2017, lớp học dời về Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Học tập cộng đồng liên phường 1 – phường 3”.
Mở được lớp học là điều không dễ nhưng để vận động trẻ đến lớp thường xuyên và duy trì lớp học còn khó khăn gấp bội. Theo đó, cô Liêm phối hợp các ban, ngành, đoàn thể địa phương gặp gỡ những trẻ em bán vé số, phụ quán cơm, quán nước,… và hỏi về mong muốn đến lớp học của các em.
Đồng thời, cô kể cho các em nghe về những dự định của lớp học, giải thích để các em hiểu lợi ích khi biết chữ và đặc biệt là có thêm bạn bè và sân chơi lành mạnh khi đến với lớp học tình thương. Riêng chương trình học, cô thường xuyên đổi mới bằng hình thức vừa học, vừa chơi, không tạo áp lực về điểm số, chỉ hướng đến mục đích giúp trẻ biết đọc, biết viết.
“Tiếng lành đồn xa”, các em có hoàn cảnh khó khăn truyền tai nhau về lớp học đặc biệt này nên công tác vận động không còn khó khăn như trước. Đặc biệt, các nhà hảo tâm biết đến, ủng hộ kinh phí, giúp cô Liêm và những người bạn duy trì lớp học đặc biệt này. Thầy Nguyễn Hoàng chia sẻ: “Sách vở, dụng cụ học tập của lớp chủ yếu do các nhà hảo tâm giúp đỡ.
Còn vào dịp lễ, tết, các cấp, các ngành, đoàn thể tổ chức hoạt động văn nghệ, thể dục – thể thao hoặc tặng quà, nhu yếu phẩm cho các em. Chính sự đồng hành, quan tâm của toàn xã hội đã giúp tôi và cô Liêm có thêm động lực để duy trì lớp học đến hôm nay”.
Mong tìm được người tâm huyết
Lớp học được thành lập gần 30 năm, cô Liêm không nhớ hết đã tạo điều kiện cho bao nhiêu trẻ biết đọc, biết viết. Song điều đọng lại trong cô chính là niềm vui khi thấy học trò của mình trưởng thành, trở thành người sống có ích hay ít ra là không sa ngã vào các tệ nạn xã hội.
Cô Liêm bộc bạch: “Sau khi học hết lớp 5, em nào không có điều kiện đi học tiếp thì tôi giới thiệu đi học may, phụ bán quán ăn,… Giờ nhiều em có thu nhập cả chục triệu đồng/tháng. Hàng năm, vào dịp 20/11, các em kéo đến nhà tôi mở tiệc, chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam. Nhìn các em trưởng thành, tôi mừng vì công sức, tâm huyết của mình bỏ ra rất xứng đáng”.
Gần cả đời người gắn bó với công tác an sinh xã hội, chăm lo cho những mảnh đời bất hạnh, cô Liêm không còn thời gian tính chuyện thành gia lập thất. Nhiều lần, cha mẹ cũng muốn cô yên bề gia thất bởi cô là người con duy nhất trong gia đình, thế nhưng, cô lại sợ khi lập gia đình sẽ không có thời gian chăm sóc những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Để rồi, đến hôm nay, cô vẫn đi về lẻ bóng.
Gần 70 tuổi, gắn bó với lớp học tình thương gần 30 năm. Giờ đây, ở tuổi xế chiều, cô còn băn khoăn khi chưa tìm được người tâm huyết, đủ yêu thương, lòng nhân ái và sự kiên nhẫn để tiếp tục duy trì lớp học tình thương. Cô Liêm trải lòng: “Các em đến lớp học có nhiều lứa tuổi, trình độ khác nhau, thậm chí, nhiều em khi mới vào học chưa biết lễ phép, thường chửi thề.
Do đó, những ai có đủ tâm huyết, sự kiên nhẫn và trái tim yêu thương mới có thể gắn bó lâu dài với lớp. Trước đây, nhiều giáo viên cũng tình nguyện đến lớp giảng dạy nhưng chỉ vài ngày, nhiều nhất thì 2 tuần cũng “lặn” mất tăm. Tôi và thầy Hoàng lớn tuổi, sức khỏe yếu, không thể đứng lớp mãi nên cần một lực lượng trẻ kế thừa bởi nhu cầu tìm con chữ của nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vẫn rất lớn”.
Tạm chia tay cô Liêm và những học sinh trong lớp học đặc biệt giữa lòng thành phố, chúng tôi ra về mà tâm trạng ngổn ngang bởi rồi đây, khi cô Liêm, thầy Hoàng không còn đủ sức khỏe để “gieo chữ” cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn thì ai sẽ là người thay thầy, cô thực hiện công việc này? Rồi những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn biết tìm con chữ ở nơi đâu?…/.
Kim Ngọc