Ngày 11/4/2023, UBND tỉnh ban Quyết định số 791 về phê duyệt kết quả xếp hạng mức độ chuyển đổi số các cơ quan đảng, cơ quan nhà nước, mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội cấp tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Lào Cai năm 2022. Trong nhóm huyện, thị xã, thành phố, huyện Bắc Hà xếp vị trí thứ 2 (sau thành phố Lào Cai) đạt mức xếp hạng nâng cao.
Xác định chuyển đổi số phải bắt đầu từ người dân, để người dân nhận thấy công nghệ là hữu ích, thiết thực, UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng. Toàn huyện hiện có 158 tổ công nghệ số cộng đồng với 523 thành viên. Tổ công nghệ số cộng đồng đã tích cực tuyên truyền, thúc đẩy người dân sử dụng nền tảng số, công nghệ số.
Năm 2022, huyện Bắc Hà triển khai phần mềm chỉ đạo và điều hành, phòng họp không giấy tờ. Từ các văn bản chỉ đạo đến giao việc, nhắc nhở, đôn đốc đối với cán bộ, công chức đều được thực hiện trên môi trường mạng, rất khoa học và kịp thời. Văn phòng Huyện ủy Bắc Hà là đơn vị đầu tiên trong toàn tỉnh ứng dụng hệ thống tin nhắn tự lưu gắn với phòng họp không giấy tờ, nhằm nhắc nhở các đại biểu truy cập và nghiên cứu tài liệu, tham gia xây dựng dự thảo văn bản, qua đó nâng cao chất lượng công tác, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy.
Để chuyển đổi số thực chất, hiệu quả, cấp ủy đảng, chính quyền huyện Bắc Hà đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức, như tại các lớp tập huấn, hội nghị, trên trang thông tin điện tử, trên hệ thống phát thanh, truyền thanh từ huyện tới các xã, thị trấn… Đặc biệt, huyện phối hợp với Sở Thông tin – Truyền thông, VNPT Lào Cai và Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên) triển khai các nội dung chuyển đổi số và đạt được nhiều kết quả. Hiện nay, huyện có 3 trạm thu – phát sóng tại thị trấn Bắc Hà, xã Tà Chải và xã Bản Liền, với 30 cụm loa truyền thanh thông minh. Các cơ quan đảng, Nhà nước được kết nối với mạng truyền số liệu chuyên dùng, mạng 4G được phủ sóng rộng khắp, 118/158 thôn, bản có hạ tầng cáp quang, đạt 74,6% (tăng 4 thôn, bản so với năm 2021); triển khai 6 trạm phát 3G, 4G, 3 trạm phát wifi miễn phí tại chợ văn hóa, đền Bắc Hà, dinh thự Hoàng A Tưởng; hỗ trợ nhắn tin quảng bá các đặc sản địa phương… Các hệ thống thông tin dùng chung như quản lý văn bản điều hành, một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến, hệ thống hội nghị trực tuyến… hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực vào công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
Việc phát triển kinh tế số, xã hội số được huyện quan tâm triển khai toàn diện. Trong đó, huyện phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, du lịch cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên các nền tảng số, thương mại điện tử, ứng dụng sản xuất thông minh, tạo ra sản phẩm chất lượng cao; tăng cường hoạt động kinh doanh qua mạng, phát triển thương mại điện tử đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và sản phẩm OCOP của huyện. Xây dựng website quảng bá du lịch trên địa bàn huyện (https://www.bachatourism.com/); đưa vào sử dụng bản đồ số hóa du lịch Bắc Hà (https://map.bachatourism.com/); tuyên truyền hộ kinh doanh, tiểu thương về sử dụng mã QR trong thanh toán điện tử và Mobile Money; triển khai tin nhắn quảng bá nông sản đặc trưng huyện Bắc Hà như mận Tam hoa, mận Tả Van, lê Tai nung…
Trong thời gian tới, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; đưa yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hằng năm. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và người dân về tầm quan trọng, tính cấp thiết của việc chuyển đổi số cũng như lộ trình xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số của huyện.
Theo Báo Lào Cai điện tử