“Học Tin học giống như việc dò đường. Sau nhiều lần tìm tòi, thực hành thì đúc rút kinh nghiệm, mẹo phù hợp với mỗi người chứ không có bí quyết nào đặc biệt. Nếu có các bí quyết thì ai cũng đã giỏi…”.
Đó là chia sẻ của em Trần Xuân Bách (SN 2005), học sinh Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội), chàng trai đang sở hữu Huy chương Vàng Olympic Tin học quốc tế và Olympic Tin học châu Á – Thái Bình Dương năm 2022. Mới đây cậu lọt Top 20 đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2022, lĩnh vực Học tập.
Tự học để khám phá thế giới số
Mùa hè năm lớp 6, cậu học trò sở hữu nhiều giải thưởng Toán học Trần Xuân Bách tham gia trại hè lập trình, bước vào thế giới khoa học công nghệ máy tính. Các phương trình, thuật toán lập trình mang đến cho cậu niềm hào hứng khám phá, sáng tạo như khi chơi xếp hình lego.
“Một bộ lego với nhiều mảnh ghép, mỗi cách ghép lại tạo ra những khối hình khác nhau. Tin học hay lập trình cũng vậy, cách sắp xếp các phương trình, thuật toán có thể tạo ra những chương trình khác nhau”, Bách nói.
Bách thường tự học, tạo lập phương pháp học riêng để mở lối tiến sâu vào không gian số tồn tại các ngôn ngữ lập trình, phương trình, thuật toán. Cậu miệt mài đọc, làm bài tập thực hành. “Mỗi ngày em đều dành thời gian tìm hiểu, ôn luyện kiến thức, các dạng bài tập mới. Lĩnh hội kiến thức, các thuật toán được những người đi trước tìm ra sẽ tạo nền tảng vững chắc, giống việc đứng trên vai người khổng lồ, từ đó có thể đi xa hơn hay mở lối riêng”, Bách chia sẻ.
Trước những đề bài khó, bế tắc hướng giải, Bách gác lại và chuyển hướng làm đề bài dễ hơn để tạo hào hứng tiếp tục nạp thêm kiến thức tìm hướng khác chinh phục. Không ít “ca” Bách phải trăn trở nhiều tuần, nhiều tháng mới tìm ra đáp án. Theo cậu, nhờ thầy cô hướng dẫn sẽ nhanh tìm ra đáp án, nhưng “tự tìm ra lời giải sẽ cải thiện năng lực tư duy, rèn luyện sự bình tĩnh, kiên định và hạnh phúc hơn”.
Chính nhờ sự tự học, Bách luôn đạt được kết quả cao trong học tập và các kỳ thi như: IELTS đạt 8.0 điểm; SAT (Scholastic Assessment Test) đạt 1590/1600, thuộc top 1% thí sinh có điểm SAT cao nhất thế giới.
Bản lĩnh từ các cuộc thi
Trần Xuân Bách sớm “vươn khơi” tham gia các cuộc thi tin học, lập trình trực tuyến quy mô, tổ chức ở Mỹ, Nga và các nước châu Âu. Có những tuần diễn ra 4 – 5 cuộc so tài và chuyện chong đèn, lướt bàn phím máy tính giữa đêm khuya, thậm chí thức trắng đêm so tài đã quá quen với cậu học trò nhỏ người Việt.
Bách kể: “Các cuộc thi được diễn ra theo múi giờ của các nước tổ chức nên có sự chênh lệch ngày – đêm so với Việt Nam. Nhiều cuộc thi trên các trang web lớn của Nga được đánh giá thân thiện về thời gian thì ở Việt Nam cũng tầm 21h30 – 23h30, chưa kể trường hợp đẩy giờ muộn hơn. Còn cuộc thi ở Mỹ, cơ bản sẽ làm bài tầm giữa đêm nên em cũng chỉ đăng ký 1 – 2 cuộc/tuần”.
Theo Bách, tham dự các cuộc thi giúp cậu tìm hiểu, học hỏi thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm và bản lĩnh khi được cọ xát với các đối thủ trình độ tin học cao đến từ nhiều nước. “Số áo phông giành được từ các cuộc thi, đến nay đủ cho tôi mặc cả tháng. Tiền thưởng lớn giành được là 3.500 USD từ cuộc thi Codegoda vào năm 2021”, cậu nói.
Sau những đêm chong đèn trên đấu trường trực tuyến, cậu học trò lớp 11 Trần Xuân Bách đã bản lĩnh hơn trên đấu trường Olympic Tin học quốc tế năm 2022. Cậu so tài với gần 350 thí sinh đến từ 89 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cậu đã xuất sắc giành được Huy chương Vàng, tấm huy chương vàng duy nhất của đội tuyển Việt Nam tại cuộc thi.
“Các cuộc thi không chỉ so tài về kiến thức, mà là cuộc đấu về tinh thần, ai giữ được tinh thần thì người đó chiến thắng”, Bách nói.
Sưu tầm