Thương mại điện tử cùng với sự phát triển của công nghệ số đang đem lại không ít cơ hội và thách thức đối với ngành logistics. Cùng với quá trình chuyển đổi số quốc gia và xu hướng của nền kinh tế số, các doanh nghiệp logistics Việt đang đứng trước những ngã rẽ, lựa chọn quan trọng để có thể vươn mình, bứt tốc.
Xu hướng thị trường logistics toàn cầu và thử thách dành cho Việt Nam
Báo cáo gần đây của công ty theo dõi thị trường Precedence Research chỉ ra, quy mô thị trường logistics toàn cầu đạt 7,98 nghìn tỷ USD vào năm 2022, dự báo sẽ đạt 18,23 nghìn tỷ USD vào năm 2030 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 10,7% từ năm 2023 đến năm 2030. Sự bùng nổ của thương mại điện tử, sự yêu thích mua sắm hàng trực tuyến và khả năng kết nối mạng internet tốc độ cao đã đang thúc đẩy các dịch vụ logistics tăng trưởng.
Trong số các xu hướng toàn cầu của ngành, việc tăng cường số hóa và tự động hóa, phát triển các phần mềm quản lý logistic tích hợp và quản lý kho dựa trên điện toán đám mây là những điểm nhấn quan trọng mà hầu hết các doanh nghiệp, quốc gia đều đang triển khai, áp dụng.
Nếu như trước đây, công nghệ số hóa trong lĩnh vực logistics mới chỉ dừng lại với “track & trace” (kiểm soát và theo dõi) thì hiện nay việc áp dụng trong toàn trình đang dần trở nên phổ biến, đa dạng hơn nhiều. Theo báo cáo thường niên năm 2023 của MHI (một công ty kỹ thuật, thiết bị điện và điện tử đa quốc gia có trụ sở chính tại Tokyo, Nhật Bản) thì trong vòng 5 năm tới, xu hướng công nghệ được ưu tiên ứng dụng trong lĩnh vực logistic gồm: Tối ưu hàng hóa tồn kho và mạng lưới; điện toán đám mây và lưu trữ, cảm biến và nhận diện tự động, phân tích nâng cao, công nghệ không dây và di động, robots và tự động hóa, in 3D, trí tuệ nhân tạo, IoT, Blockchain, xe không người lái và máy bay không người lái…
Đáng lưu ý, theo một khảo sát của Alloy Technologies, có tới 92% giám đốc điều hành doanh nghiệp logistics đều cho rằng khả năng quản trị chuỗi cung ứng là yếu tố quan trọng trong việc quyết định thành công. Mặc dù vậy, chỉ có 72% trong số đó tìm ra cách chuyển đổi số thành công cho doanh nghiệp của mình.
Số hóa là một xu hướng đang diễn ra ở hầu hết các quốc gia và ngành logistics thế giới, đã được chứng minh đem lại hiệu quả cao, tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận cho các doanh nghiệp trong ngành. Điều này có thể thấy qua mức đầu tư vào lĩnh vực của các công ty công nghệ, thương mại điện tử toàn cầu. Có thể kể tới, Google đã đầu tư tới 500 triệu USD vào hậu cần tự động của JD, Alibaba cũng đã đầu tư tới 15 tỷ USD vào hạ tầng hậu cần của robot…
Ngành logistics tại Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Theo bảng xếp hạng của Agility năm 2023, Việt Nam thuộc top 10 thị trường logistics mới nổi trên thế giới và đứng thứ 4 Đông Nam Á. Về cơ hội logistics trong nước, Việt Nam đứng thứ 16 và về cơ hội logistics quốc tế, chúng ta đang đứng vị trí thứ 4. Điều kiện kinh doanh và chỉ số sẵn sàng công nghệ, chúng ta đang được đánh giá lần lượt ở vị trí thứ 19 và 15 của bảng xếp hạng.
Cùng với sự bùng nổ của ngành thương mại điện tử, kéo theo nhu cầu gia tăng trong giao hàng B2C cũng như sự phát triển của các dịch vụ thương mại quốc tế đang tạo ra những cơ hội tốt thúc đẩy thị trường logistics của Việt Nam. Google dự báo quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt mức 57 tỷ USD (CAGR là 51,5%) vào năm 2025.
Bên cạnh các chủ trương chính sách của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành logistics thì sự tự cường vươn lên làm chủ công nghệ, cung cấp các giải pháp số hóa từ phía các doanh nghiệp công nghệ Việt cũng đang là điều kiện “vàng” cho chuyển đổi số ngành này.
Việt Nam hiện có khoảng 46% doanh nghiệp đang ứng dụng các loại hình công nghệ khác nhau trong hoạt động, vận hành của mình. Các dịch vụ số hóa nổi bật bao gồm hải quan điện tử, thuế điện tử, quản lý khai thác cảng biển, quản lý hành trình xe, vận chuyển và kho bãi… Nhu cầu chuyển đổi số của doanh nghiệp là rất lớn, tuy nhiên với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn đầu tư cho công nghệ số cũng là một vấn đề khó khăn.
Việt Nam cũng đang có các nhà cung cấp giải pháp, phần mềm trong lĩnh vực logistics, như: Viettel Solutions, Phaata.com, SmartLog, Logivan, Abivin, NetLoading… Một số giải pháp có thể kể đến là: Hệ thống quản lý vận tải, quản lý đơn hàng (TMS/OMS); Hệ thống chia chọn/thực hiện đơn hàng (Sorting/Fulfillment); Hệ thống quản lý giao nhận vận tải quốc tế (FMS), quản lý chuyển phát; Hệ thống quản lý kho hàng (WMS); Ứng dụng Gọi xe tải – Xe container – Hàng ghép; Hệ thống tích hợp với các sàn TMĐT, sàn giao dịch vận tải… Đây là điều kiện quan trọng, là cơ sở để các doanh nghiệp logistics có thể lựa chọn giải pháp chuyển đổi số phù hợp với điều kiện thực tiễn của mình.
Tuy nhiên, ngành logistics Việt cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn trong việc chuyển đổi số như: chi phí đầu tư về công nghệ cao, nhất là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Theo phân tích của chuyên gia Lê Thanh Phương, Khoa Kinh tế và Quản lý, trường Đại học Thủy lợi thì Việt Nam hiện có khoảng 4.000 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics quốc tế và nội địa (trong đó, khoảng 1.300 DN hoạt động tích cực). Tuy nhiên, đa số là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chỉ có 1% là doanh nghiệp lớn. Vì vậy, chi phí đầu tư của các doanh nghiệp này cho số hóa cũng là một thử thách không nhỏ.
Tiếp đến là những hạn chế về nguồn nhân lực. Theo Bộ Công Thương, tính đến năm 2022, số lao động được đào tạo bài bản về logistics chỉ chiếm khoảng 5-7% số lao động hiện đang làm việc trong lĩnh vực này; khả năng đáp ứng nhu cầu nhân lực logistics chỉ khoảng 10%. Nguồn nhân lực logistics của Việt Nam không chỉ thiếu về số lượng mà còn yếu về chất lượng. Điều này sẽ là một trở ngại lớn trong quá trình thực hiện chuyển đổi số để phát triển của ngành.
Theo các chuyên gia, để khắc phục những trở ngại kể trên, các doanh nghiệp Việt cần chủ động xây dựng chiến lược chuyển đổi số phù hợp với quy mô và nhu cầu của mình; lựa chọn kỹ mô hình ứng dụng công nghệ; đảm bảo quá trình chuyển đổi hoạt động dựa trên nền tảng công nghệ số… Ở tầm vĩ mô, để thúc đẩy chuyển đổi số ngành logistics Việt, các doanh nghiệp cần có sự hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức, chính phủ liên quan. Song song với đó, việc nâng cao nhận thức và khả năng của người lao động để sử dụng và điều hành các hệ thống AI trong logistics cũng là một yếu tố quan trọng của doanh nghiệp chuyển đổi số.
Những “trái ngọt” của doanh nghiệp logistics Việt chuyển đổi số thành công
Là một trong những doanh nghiệp logistics tiên phong thực hiện chuyển đổi số, đáp ứng chuyển đổi xanh trong ngành, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn hiện đã gặt hái được những thành tựu ấn tượng trong phát triển kinh doanh, nâng cao năng lực vận hành của mình.
Theo ông Trương Tấn Lộc, Giám đốc Marketing của Tổng công ty thì thời gian qua, Tân Cảng Sài Gòn đã triển khai đồng loạt cảng điện tử ePort, lệnh giao hàng và hệ thống kho hàng điện tử cùng với ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào chăm sóc khách hàng. Trong đó, chỉ tính riêng việc ứng dụng cảng điện tử đã cho phép khách hàng khai báo trực tuyến thông tin container, thông tin hàng hóa, khai báo tờ khai, thanh toán, cho đến khai báo lệnh giao hàng điện tử…
Với các tính năng như check-in online, áp dụng tại cảng Cát Lái cũng giúp giảm thời gian chờ của phương tiện trước cổng cảng, tiến đến phát triển cảng tự động. Kết quả, thời gian xe chờ tại cổng cảng giảm từ 13 phút xuống còn 6 phút; thời gian thông quan hải quan điện tử giảm 2 phút/container.
Nhờ áp dụng các giải pháp công nghệ chuyển đổi số, Tân Cảng Sài Gòn – đơn vị đang chiếm 90% thị phần sản lượng container tại khu vực TP HCM đã tiết kiệm khoảng 30.000 – 50.000 tờ giấy/ngày, giảm 3000 – 5000 xe/ngày ra vào cảng làm thủ tục hành chính, cắt giảm được 45% nhân sự trong khi vẫn duy trì sản lượng như cũ.
Tân cảng Sài Gòn hiện đã và đang triển khai rất nhiều giải pháp chuyển đổi số, chuyển đổi xanh tại 16 cơ sở cảng trải dài tại các vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam cùng hệ thống 7 ICD hỗ trợ kết nối. Tân Cảng – Cát Lái và Cảng Quốc tế Tân Cảng – Cái Mép (TCIT) là một trong những cảng đầu tiên tại Việt Nam đạt danh hiệu Cảng xanh của Hội đồng mạng lưới dịch vụ cảng APEC. Trong năm 2023, Tân cảng Sài Gòn cũng đã vinh dự đón nhận giải thưởng Top Công nghiệp 4.0 Việt Nam – giải thưởng vinh danh các doanh nghiệp tiêu biểu trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số hướng đến phát triển kinh tế số tại Việt Nam.
Một doanh nghiệp logistics khác cũng đã đạt được nhiều thành tựu về chuyển đổi số là Cảng Hải Phòng. Tính đến tháng 10/2023, tỷ lệ khách hàng thực hiện dịch vụ cổng điện tử ePort tại đây đã đạt 91,78%, tỷ lệ khách hàng sử dụng cổng thông minh Smart gate là 94,5%, tương tác với gần 12.500 lái xe, 1.423 doanh nghiệp vận tải sử dụng và bỏ toàn bộ chứng từ giao nhận,…
Các chuyên gia nhận định, việc ứng dụng các công nghệ như Trí tuệ nhân tạo, Blockchain, Internet of Things (IoT), và Big data có thể tối ưu hóa quy trình vận chuyển hàng hóa, giảm thiểu thời gian xếp dỡ, và nâng cao khả năng theo dõi và quản lý hàng hóa. Điều này không chỉ mang lại lợi ích về chi phí mà còn tăng cường uy tín và hình ảnh của cảng, thu hút đầu tư và tạo nên một môi trường kinh doanh thuận lợi.
Theo ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết ngành logistics Việt Nam đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Tốc độ tăng trưởng ngành bình quân hằng năm 14-16%, số lượng doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ logistics được nâng cao, đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, nhất là hoạt động xuất, nhập khẩu. Thành tựu đó có một phần quan trọng của việc thực hiện, triển khai thành công các giải pháp số hóa của ngành.