Sáng tạo, tâm huyết với những tiết học “xuyên biên giới” là cách cô Hà Kim Phượng truyền cảm hứng, niềm đam mê tiếng Anh cho học sinh…
Cô Hà Kim Phượng, giáo viên tiếng Anh, Trường Tiểu học Bắc Lệnh vừa được chứng nhận Giải thưởng: Nhà giáo dục dẫn đầu của Anh Quốc năm 2022.
Cô Phượng sinh ra trong gia đình có mẹ là giáo viên tiếng Anh. Năm 2011, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Phương Đông, với tấm bằng loại giỏi, cô gái trẻ Hà Kim Phượng quyết định trở về quê hương Lào Cai để thực hiện ước mơ, hoài bão. “ Ước mơ làm giáo viên từ nhỏ, chính vì thế, tôi luôn trân trọng nghề giáo cũng giống như trân trọng mẹ của mình vậy. Trong một lần tham gia hoạt động phiên dịch, tôi rất ấn tượng với các em học sinh vùng cao. Từ đó, tôi quyết tâm theo đuổi sự nghiệp của mẹ”, cô Phượng chia sẻ.
Năm 2013, cô Hà Kim Phượng được nhận công tác tại Trường Tiểu học & THCS số 2 Tả Phời. Bắt đầu công việc mới tại trường khó khăn của thành phố Lào Cai, cô Phượng cho biết: “Công việc của một giáo viên khác một trời, một vực với việc làm phiên dịch. Lúc đó, giao thông lên Tả Phời còn khó khăn, tôi phải đi cả tuần mới được về nhà một lần. Việc học tiếng Anh của các em cũng có nhiều hạn chế”.
Khó khăn là vậy, song không vì thế mà cô Phượng nản lòng. Cô say sưa với mỗi tiết dạy, hỗ trợ các em làm quen và dần học tốt môn Tiếng Anh. Khi những học sinh bán trú đem sách đến hỏi bài sau mỗi giờ học như nguồn động lực để cô tiếp tục cố gắng, gắn bó với nghề.
Năm 2015, cô Phượng được điều động về công tác tại Trường Tiểu học Bắc Lệnh – thành phố Lào Cai. Cô Hiệu trưởng Trần Thị Liên bộc bạch: “Với môi trường thuận lợi, cô Phượng thỏa sức sáng tạo, lan tỏa đam mê học tiếng Anh cho học sinh. Bên cạnh những tiết dạy sôi nổi, hiệu quả, cô còn ứng dụng công nghệ hiện đại vào giảng dạy, tạo ra tiết học kết nối với nhiều quốc gia”.
Trong năm học 2021 – 2022, cô Phượng đã kết nối được 80 tiết với trên 30 quốc gia như: Anh, Pháp, Đức, Mĩ, Ấn Độ, Pakistan, Nhật Bản, Chile, Ba Lan, Argentina…
“Những tiết học “xuyên biên giới” đã giúp học sinh hứng thú tham gia học tập. Không những thế, đây còn là môi trường thuận lợi để các em tiếp cận và từng bước hội nhập với nền giáo dục quốc tế. Học sinh được tham gia nhiều sân chơi, cuộc thi, dự án, chương trình tiếng Anh quốc tế để học tập, giao lưu, chia sẻ kiến thức ngôn ngữ và hình thành, phát triển kỹ năng cần thiết” – cô Liên nói.
Ngoài tiết học kết nối, cô Phượng còn tổ chức cho học sinh tham gia các dự án học tập với quy mô lớn như: “Lớp học toàn cầu”; “Mở rộng trái tim nâng tầm lý trí”; “Trao đổi văn hóa tương tác lớn nhất của Đại học thực nghiệm quốc tế”. Ngoài ra, đáng chú ý là hai Dự án “Hộ chiếu văn hóa toàn cầu” và “Phát triển các mục tiêu bền vững của Liên Hợp Quốc”.
Năm học 2021 – 2022, cô Phượng đã tham gia cuộc thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và xuất sắc đoạt giải Nhất. Trong quá trình hoạt động, cô còn được bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng của nhiều tổ chức quốc tế như: Trưởng ban tổ chức Lớp học toàn cầu; Đại sứ thương hiệu Cali girls books của Mỹ; Thành viên Ban giám đốc Viện đào tạo các nhà giáo dục Hiệp hội châu Á – Thái Bình Dương; Trưởng ban tổ chức Mạng lưới học sinh toàn cầu 2022…
“Cô Phượng là niềm tự hào của nhà trường nói riêng và của ngành Giáo dục Lào Cai nói chung. Với ý chí không ngừng vươn lên, cô đã đạt các giải thưởng, khiến tôi và nhiều đồng nghiệp phải ngưỡng mộ” – cô Lê Thị Ngọc, giáo viên nhà trường tâm sự.
Được quốc tế ghi nhận
Cô Phượng chia sẻ: “Vào đầu năm 2022, tôi nhận được cuộc gọi của bà Desiree Richardson – CEO của Tổ chức Women of heart – Tổ chức Trái tim nhân đạo Anh Quốc với nội dung: Tôi nhận được Giải thưởng Nhà giáo dục hàng đầu năm 2022 vì những đóng góp của mình cho giáo dục. Bà cũng mời tôi tham dự lễ trao giải trực tiếp tại Anh vào tháng 11 vừa qua. Tôi vô cùng xúc động vì những nỗ lực, cố gắng của mình được cộng đồng giáo dục quốc tế công nhận và đánh giá cao. Tôi tự nhủ với lòng sẽ phải nỗ lực hơn nữa góp phần xây dựng sự nghiệp giáo dục phát triển hơn”. Có được thành quả đó là những nỗ lực không ngừng của nhà giáo trẻ. Trong quá trình giảng dạy, cô luôn khơi dậy hứng thú và lấy học sinh làm trung tâm. “Tôi luôn tạo dựng không gian học tập truyền cảm hứng cho các em bằng việc trang trí trường, lớp, cảnh quan bằng các khẩu hiệu song ngữ. Cùng với đó, thường xuyên phát thanh song ngữ trong nhà trường; xây dựng cây từ vựng theo tuần tại các lớp học, tạo môi trường học ngoại ngữ mọi lúc, mọi nơi” – cô Phượng tâm sự.
Để vun đắp tình yêu với tiếng Anh, cô đã khuyên học sinh bắt đầu từ sở thích cá nhân. Cùng với đó, theo cô Phượng, giáo viên phải luôn gần gũi, quan tâm và giao tiếp tiếng Anh mọi lúc mọi nơi có thể với các em.
“Đầu tiên, học sinh cần liệt kê sở thích hay vấn đề mình đặc biệt quan tâm. Tiếp theo, làm những điều các em thích cùng với tiếng Anh và duy trì việc đó liên tục. Nếu học sinh thích nghe nhạc, tôi khuyến khích nghe nhạc tiếng Anh và hát theo bài hát đó” – cô Phượng nói.
Em Đồng Hải Minh, học sinh lớp 5A4, Trường Tiểu học Bắc Lệnh, chia sẻ: “Em rất thích những tiết học tiếng Anh cùng với cô Phượng. Chúng em được học một cách thoải mái và học những gì mình thích”.
Còn theo cô Trần Thị Liên, năm học 2021 – 2022, cô Phượng đã làm hồ sơ đề cử Trường Tiểu học Bắc Lệnh là một trong những trường học đổi mới nhất toàn cầu. Cô đã truyền cảm hứng đến cho học sinh và giáo viên toàn trường. Với những nỗ lực của mình, cô Phượng đã “gặt hái” được nhiều thành công, có thể kể đến như: Giải thưởng phụ nữ toàn cầu 2022 của Tổ chức The Light; Giải thưởng biểu tượng nhà lãnh đạo truyền cảm hứng xuất sắc 2022 của Hiệp hội APDH hợp tác với Quỹ Ekoham và Liên đoàn Nhân quyền Quốc gia (NHRF); Giải thưởng Nhà giáo dục hàng đầu của năm 2022 của Tổ chức Phụ nữ nhân ái Anh Quốc; Giải thưởng xuất sắc toàn cầu dành cho giáo viên năm 2022 của Tổ chức Kỹ năng số thế kỷ 21; Giải thưởng Nhà giáo dục số 2022 của Tổ chức Kỹ năng công nghệ thế kỷ 21…