Những năm qua, Ðại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh xác định ưu tiên nguồn lực thúc đẩy chuyển đổi số trong dạy và học để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo. Trong đó, hệ thống học liệu số được đơn vị này triển khai cách đây hơn hai năm, đến nay đã trở thành nền tảng dạy và học trực tuyến hiện đại, toàn diện cho giảng viên, sinh viên.
Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đang thí điểm sử dụng bài giảng trực tuyến môn Triết học Mác-Lênin dùng chung tại hai trường thành viên là Trường đại học Quốc tế và Trường đại học Kinh tế-Luật. Hiện, Ban soạn thảo đã xây dựng được 81 video bài giảng cho môn Triết học Mác-Lênin với hình thức trực quan sinh động, đa dạng, lôi cuốn người học.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Tình, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn-Ðại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, thành viên Ban soạn thảo cho biết: Hệ thống video này không bao phủ toàn bộ nội dung môn học và thay thế hoàn toàn cho việc giảng dạy trực tiếp trên lớp. Việc trao đổi giữa giảng viên và sinh viên trên lớp sẽ chú trọng phần vận dụng kiến thức để nhận thức, giải quyết những vấn đề phát sinh trong cuộc sống hiện thực. Ngoài những câu hỏi trắc nghiệm trong tài nguyên học tập, một số video có câu hỏi mang tính gợi mở tư duy. Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Tình, việc sử dụng bài giảng trực tuyến này sẽ áp dụng theo mô hình “Flipped Classroom” (lớp học đảo ngược), một trong năm xu hướng công nghệ giáo dục của Hoa Kỳ. Theo đó, trước khi đến lớp, sinh viên sẽ xem đề cương môn học, đọc giáo trình, nghe giảng qua video kết hợp ghi chép những vấn đề nảy sinh. Phần kiến thức tự học này sẽ được kiểm tra thông qua trả lời những câu hỏi trắc nghiệm sau mỗi video. Ðối với việc học trực tiếp, sinh viên chỉ chủ yếu nêu thắc mắc, thảo luận, nghe giải đáp từ giảng viên về các vấn đề liên quan nội dung bài học. “Khi tham gia thỉnh giảng tại Hoa Kỳ, tôi được yêu cầu chỉ sử dụng 1/3 thời lượng trong môn học. Phần lớn thời gian, tôi sẽ phải lắng nghe sinh viên trình bày những kiến thức từ việc tự học. Giảng viên không phải là người đưa ra các kết luận đúng sai mà chỉ đánh giá sinh viên bằng cách cho biết lập luận của các em đã thuyết phục hay chưa, có logic hay không”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Tình cho biết thêm.
Các chuyên gia cho rằng, đối với lớp học truyền thống, giảng viên là trung tâm của thông tin. Ngược lại, trong mô hình “Flipped Classroom” người học là trung tâm. Nội dung truyền đạt kiến thức của giảng viên phần lớn do người học đặt ra để giải quyết những vấn đề người học chưa hiểu khi tự học. Thời gian thảo luận nhiều hơn giúp kiến thức của cả giảng viên và sinh viên sâu hơn, phong phú hơn. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Tâm, Phó Giám đốc Ðại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị này và Ðại học Quốc gia Hà Nội là hai cơ sở dẫn đầu cả nước trong việc đổi mới các phương pháp giáo dục đại học. Một trong những nguyên tắc cốt lõi của đổi mới phương pháp giảng dạy là xây dựng hệ sinh thái học tập như cơ sở dữ liệu số, hệ thống bài giảng video dùng chung, các hoạt động bồi dưỡng, tập huấn giảng viên… Việc triển khai sử dụng bài giảng trực tuyến môn Triết học Mác-Lênin dùng chung trong Ðại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thuộc đề án giáo dục 4.0 là nỗ lực cụ thể để đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo trong toàn hệ thống. Ðây sẽ là tài nguyên học tập quý giá, có sức lan tỏa và đạt hiệu quả cao.
Hệ thống học liệu số của Ðại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh gồm bài giảng điện tử, bài giảng e-learning, bài giảng dạy trên truyền hình, giáo án điện tử, bài trình chiếu điện tử… và được chia làm hai cấp. Cấp Ðại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có các môn học chung như Triết học Mác-Lênin, Xác suất thống kê. Cấp các đơn vị thành viên với các môn chuyên ngành, cơ sở. Ðến nay, Ðại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng được hệ thống với hai môn dùng chung và 41 môn học/học phần thuộc khối kiến thức cơ bản và cơ sở ngành của các trường: Trường đại học Bách khoa, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Trường đại học Công nghệ thông tin, Trường đại học Kinh tế-Luật. Hệ thống học liệu số được vận hành trên trang hệ thống đào tạo trực tuyến https://elearning-vnuhcm.vn/ với mục tiêu xây dựng một phần hệ thống bài giảng môn học dùng chung, tài liệu tham khảo, bài giảng số chuyên ngành. Hệ thống này trước hết là để sinh viên Ðại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tự nghiên cứu học tập, giảng viên tham khảo cho các hoạt động dạy học. Sau đó, hệ thống sẽ từng bước mở rộng và hoàn thiện, góp phần tạo ra sự đột phá, phát triển khác biệt khi lấy người học làm trung tâm.
Dự kiến trong năm nay, Ðại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục xây dựng bài giảng một số môn dùng chung và từ 20-30 môn học/học phần thuộc khối kiến thức cơ sở ngành, chuyên ngành trong chương trình đào tạo đang triển khai tại các đơn vị thành viên. Qua đó, xây dựng Kho học liệu số ngày càng hoàn thiện, là nguồn tài nguyên mở, chất lượng, giúp các đơn vị trực thuộc có được nguồn lực cho phát triển học liệu. Ðồng thời giúp đội ngũ giảng viên cùng khai thác, trao đổi và chắt lọc những phương pháp, kiến thức phù hợp nhất cho bài giảng của mình; giúp sinh viên hoàn toàn có thể tự học ở nhà bằng cách tương tác với nội dung số từ kho học liệu hay làm bài tập trắc nghiệm, bài tự luận…■
BÀI VÀ ẢNH: AN KHÁNH, KHÁNH TRÌNH