Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Lào Cai Giàng Seo Phù tiếp chúng tôi tại ngôi nhà riêng, xây hai tầng khiêm tốn trên đường Hưng Hóa, phường Duyên Hải (thành phố Lào Cai)…
Bà vẫn nhớ như in lúc bấy giờ trong hoàn cảnh tỉnh Lào Cai mới giải phóng được vài năm, cuộc sống của đồng bào còn chịu nhiều khó khăn, nạn đói, nạn mù chữ, dịch bệnh hoành hành tràn lan. Đồng bào vùng núi cao còn chịu thêm ảnh hưởng rất nặng nề chính sách phỉ hóa toàn dân của thực dân Pháp. Trước tình hình đó, Trung ương chỉ đạo các tỉnh miền núi vùng có phỉ phải nhanh chóng nắm diễn biến tình hình. Nhiệm vụ đặt ra cho Lào Cai phải kịp thời có biện pháp giải quyết bằng tuyên truyền, vận động, thuyết phục, cảm hóa những người lầm đường lạc lối, tránh xung đột vũ trang. Vì lẽ đó mà tỉnh ra chủ trương thành lập một đội công tác đặc biệt làm nhiệm vụ vận động quần chúng trong vùng chịu nhiều ảnh hưởng của phỉ hóa toàn dân. Cô gái Giàng Seo Phù, người dân tộc Phù Lá khi ấy được cán bộ, bộ đội tuyên truyền, giác ngộ, vận động thoát ly đi làm cách mạng…
Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Lào Cai Giàng Seo Phù
Cuộc đời người con gái dân tộc Phù Lá bước vào ngã rẽ mới khi đi theo tiếng gọi của Chính phủ và Bác Hồ. Sau những ngày ăn tết Quý Tỵ năm 1953, bà tạm biệt quê hương và gia đình đi làm cách mạng. Ngày đầu tiên xa nhà, hôm ấy khi ông mặt trời còn nấp sau dãy núi cao của Tả Gia Khâu, cô gái trẻ đã thức dậy khóc rất to mà không sao nói được thành lời, tạm biệt bố và các em. Bà rảo bước chân theo đoàn công tác đi bộ từ sáng sớm đến tận đêm khuya thì đến thị xã Lào Cai. Sau vài ngày nghỉ lại sức, bà được giao nhiệm vụ tham gia Đội công tác tuyên truyền đặc biệt của tỉnh gồm gần năm chục người cả nam và nữ tuổi đời mới mười chín, đôi mươi. Đây là lực lượng xung kích còn rất trẻ được giác ngộ từ các huyện: Mường Khương, Bắc Hà, Sa Pa, Bát Xát. Đội công tác tuyên truyền đặc biệt của tỉnh được học lớp tập huấn đặc biệt do Tỉnh ủy Lào Cai tổ chức. Lớp học này rất đặc biệt bởi phần đông là người mù chữ. Ngồi học ai cũng chăm chú lắng nghe nhớ trực tiếp vào đầu, cả lớp có rất ít người biết chữ để ghi chép. Thời gian tập huấn kéo dài gần mười ngày học tập chính trị về những chủ trương, đường lối giải phóng dân tộc của Đảng. Một nội dung rất quan trọng khác được tỉnh cung cấp cho học viên đó là phương pháp tuyên truyền, vận động quần chúng. Hôm khai mạc lớp học, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trường Minh đã đến thăm, phát biểu căn dặn làm công việc đặc biệt, vừa khó khăn, vất vả khi bám nắm dân, vừa nguy hiểm đến tính mạng khi tiếp xúc với các đối tượng ngoan cố chống đối…
Sau tập huấn, bà Phù được phân công về xã La Pan Tẩn thuộc huyện Mường Khương…
Chuyện riêng tư gia đình, bà kể vắn tắt cho chúng tôi về mối duyên tình với ông Nguyễn Trần Đông, bí danh Trần Đông, làm Thư ký của Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Hoàng Trường Minh. Hai người quen nhau từ lớp tập huấn, khi đó Nguyễn Trần Đông được Tỉnh ủy giao nhiệm vụ trực tiếp giảng dạy. Những lúc nghỉ giải lao, Nguyễn Trần Đông thường gần gũi, trò chuyện với cô học viên trẻ. Vì bà chưa biết tiếng phổ thông nên hai người sử dụng tiếng Quan hỏa, dần dần tình yêu nảy nở và họ nên duyên… Ông Nguyễn Trần Đông là chỗ dựa giúp bà có nghị lực để vượt qua khó khăn, thử thách. Nhờ có chồng mà bà từ cô gái dân tộc Phù Lá chân trần đến biết đi dép, từ mù chữ đến biết đọc, biết nói, biết viết tiếng Việt, biết làm cách mạng. Vợ chồng bà có với nhau 4 người con (3 trai, 1 gái). Nhờ có chồng gánh vác, chia sẻ công việc gia đình, tạo điều kiện, bà học hết cấp 1, cấp 2, cấp 3 rồi theo học lớp đại học tại chức. Trên con đường sự nghiệp, bà được giữ cương vị Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Lào Cai, Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Lào Cai. Chỉ tiếc là đến năm 1972, ông Nguyễn Trần Đông lâm bệnh hiểm nghèo đột ngột qua đời ở tuổi 49, bà chịu phận góa chồng khi mới 41 tuổi…
Nữ cán bộ lão thành cách mạng kể tiếp cho chúng tôi nghe chuyện vì sao tên mình được gọi là Giàng Seo Phù. Khi mới lọt lòng, bố mẹ đặt cho bà là Giàng Sủi Dín, lấy chồng xong thì bị “mất tên”. Theo lời kể của bà thì chồng bảo, từ nay trở về sau nên đổi tên Dín thành Phù, vì người mang tên Phù sẽ đem lại nhiều hạnh phúc cho gia đình (Phù nghĩa là Phúc). Từ đó, hồ sơ và mọi loại giấy tờ được lãnh đạo tỉnh chấp nhận cho mang tên bí danh Giàng Seo Phù từ năm 1954 cho đến tận bây giờ.
Xây dựng gia đình chưa được bao lâu thì bà tiếp tục lên đường nhận nhiệm vụ làm cán bộ cốt cán tăng cường về xã Cát Cát, huyện Sa Pa (nay là thị xã Sa Pa), đây là vùng có nguy cơ phỉ hóa rất cao. Cũng thời điểm ấy, chồng bà nhận nhiệm vụ mới, làm Khu trưởng khu Pha Long, huyện Mường Khương. Vậy là hai vợ chồng phải sống xa nhau mỗi người một ngả, thỉnh thoảng mới được gặp nhau vào dịp về tỉnh họp. Mãi đến giữa năm 1957, bà mới chính thức được tỉnh rút về công tác tại Hội Phụ nữ tỉnh. Cũng năm ấy, ông Nguyễn Trần Đông được tỉnh rút về tiếp tục làm Thư ký cho Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trường Minh. Từ đây, vợ chồng bà được chung sống bên nhau trong gian nhà tập thể của tỉnh ở gần đầu cầu Cốc Lếu, thị xã Lào Cai.
Chúng tôi muốn bà kể cho nghe về những kỷ niệm sâu sắc của cuộc đời gắn liền với những năm tháng công tác, bà nói rằng đã có nhiều người hỏi câu này nhưng hôm nay chỉ nói kỷ niệm tự hào, khó quên. Ấy là vào một ngày cuối tháng 8/1955, vợ chồng bà nhận được tin báo Tỉnh ủy triệu tập có việc gấp (để giữ bí mật nên không thông báo nội dung công việc). Từ xã Cát Cát, bà đi bộ một ngày đường mới ra đến tỉnh. Được gặp nhau, vợ chồng có vài ngày sống hạnh phúc trong gian nhà khu tập thể Tỉnh ủy Lào Cai. Sau đó hai vợ chồng đón nhận tin vui, đó là được trong danh sách đoàn đại biểu của tỉnh Lào Cai về Thủ đô Hà Nội dự lễ mít tinh kỷ niệm 10 năm Quốc khánh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Theo lịch trình thông báo của Văn phòng Chính phủ, Bác Hồ sẽ có buổi gặp mặt các đại biểu vào tối mùng 1 tháng 9 năm 1955 tại Phủ Chủ tịch. Trung ương tổ chức lễ mít tinh trọng đại vào sáng 2/9/1955 và đón chào Trung ương Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch từ Liên khu Việt Bắc sau 9 năm kháng chiến trường kỳ trở về Thủ đô.
… Mỗi khi anh em, bạn bè hàn huyên về những con người vùng cao Mường Khương thì không thể không nói đến nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Lào Cai Giàng Seo Phù. Ở bà có nét dung dị, chân chất, mộc mạc đậm nét người phụ nữ miền núi cao nhưng cũng tràn đầy nghị lực, ý chí như cây rừng trên núi đá.
Bà Giàng Seo Phù, Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Lào Cai giai đoạn 1970 – 1975, dân tộc Phù Lá, sinh năm 1931 tại thôn Lao Tô, xã Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương.
Tham gia cách mạng từ năm 1953, đến năm 1959, bà được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Bà đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân hương Lao động hạng Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác.