Vương Đức Lương (dân tộc Nùng, sinh năm 2004) sinh viên năm thứ 3, ngành Biểu diễn nhạc cụ truyền thống, Khoa Văn hóa – Nghệ thuật, Trường Cao đẳng Lào Cai sinh ra trong gia đình thuần nông ở huyện Mường Khương. Từ khi còn nhỏ, âm thanh của núi rừng Tây Bắc cùng những lời ca, điệu múa của đồng bào dân tộc Nùng đã dần thẩm thấu vào tâm hồn, đặc biệt là âm thanh của sáo trúc luôn có sức hút đặc biệt với Lương. Dần dần, những âm thanh du dương, trong trẻo của sáo trúc đã thôi thúc Lương quyết tâm học loại nhạc cụ này một cách bài bản. Sau khi tốt nghiệp THPT, nhiều bạn bè cùng trang lứa chọn các chuyên ngành kinh tế, nông nghiệp, luật, sư phạm… còn Lương chọn chuyên ngành biểu diễn nhạc cụ truyền thống. Sau 2 năm theo học tại Trường Cao đẳng Lào Cai, Lương bắt đầu tham gia biểu diễn sáo tại một số sự kiện hoặc phục vụ khách du lịch trong các nhà hàng, khách sạn tại thị xã Sa Pa. Lương tâm sự: Em không ngờ nhiều người, trong đó có cả du khách nước ngoài yêu thích tiếng sáo trúc. Thông qua các buổi biểu diễn, em muốn giới thiệu nhạc cụ truyền thống đến với du khách nước ngoài, đồng thời truyền cảm hứng cho các bạn trẻ trong việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt.
Không giống Lương, Hoàng Văn Yên (sinh năm 2006) đến từ huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu hiện là sinh viên năm thứ nhất, ngành Biểu diễn nhạc cụ truyền thống, Khoa Văn hóa – Nghệ thuật, Trường Cao đẳng Lào Cai đến với sáo trúc rất ngẫu nhiên. Sau khi tốt nghiệp THPT, Yên đăng ký thi tuyển năng khiếu tại Khoa Văn hóa – Nghệ thuật, Trường Cao đẳng Lào Cai với mong muốn ban đầu là học chuyên ngành thanh nhạc. Tuy nhiên, sau khi nhận thấy những thế mạnh của Yên, các thầy cô trong khoa đã hướng em học môn sáo trúc. Hoàng Văn Yên cho biết: Mặc dù đi theo con đường không như mình vạch ra trước đó, nhưng khi bắt đầu làm quen với sáo trúc, em đã yêu thứ âm thanh trong trẻo và bay bổng, mộc mạc, đậm chất làng quê của loại nhạc cụ này.
Giàng Thị Hà (sinh năm 2003), ở huyện Si Ma Cai hiện là sinh viên chuyên ngành đàn tranh, Khoa Văn hóa – Nghệ thuật, Trường Cao đẳng Lào Cai bộc bạch: Em yêu thích tiếng đàn tranh và hình ảnh thiếu nữ bên đàn tranh từ nhỏ. Đây là nhạc cụ dân tộc hội tụ đầyđủvẻđẹpvàsựhấpdẫn của âm nhạc truyền thống Việt Nam, vừa giản dị, mộc mạc, vừa thanh cao, có khí chất. Càng học, càng tìm hiểu sâu về nhạc cụ này, em càng thấy trân trọng những nét đẹp truyền thống của dân tộc.
Anh Nguyễn Đình Chí, giảng viên Khoa Văn hóa – Nghệ thuật, Trường Cao đẳng Lào Cai tâm sự: Hiện nay, giới trẻ tiếp xúc nhiều thể loại nhạc khác nhau và không có nhiều bạn trẻ mặn mà với âm nhạc truyền thống. Năm học 2021 – 2022, chỉ có 7 sinh viên theo học ngành biểu diễn nhạc cụ truyền thống. Điều trăn trở đối với các giảng viên là làm thế nào để vừa giữ được chuẩn mực truyền thống, vừa đáp ứng được nhu cầu nghe nhạc hiện đại, đặc biệt là lớp trẻ, bởi nếu dạy mãi những bản nhạc truyền thống thì rất khó để đông đảo bạn trẻ tiếp nhận, nên phải “thị trường hóa” âm nhạc truyền thống, nhưng không làm mất đi cái gốc của âm nhạc dân tộc. Do đó, chúng tôi chọn cách kết hợp hai yếu tố này với nhau. Việc này giúp nhạc cụ dân tộc đến gần hơn với công chúng, khai thác những tính năng mà những người đi trước chưa khai phá.
Chị Bùi Hương Thảo, giảng viên môn đàn tranh, Khoa Văn hóa – Nghệ thuật, Trường Cao đẳng Lào Cai cũng chia sẻ: Không chỉ được học kỹ thuật chơi nhạc, sinh viên còn được học về văn hóa, lịch sử của các loại nhạc cụ. Bên cạnh những bài giảng kỹ thuật đúng chất hàn lâm, các giảng viên cũng dành thời gian cùng học viên để làm mới, thậm chí dùng nhạc cụ dân tộc chơi các bản nhạc trẻ. “Sự cởi mở này sẽ làm cho lớp trẻ thêm hứng thú, say mê và ngày càng thấy rõ giá trị của nhạc cụ, âm nhạc truyền thống” – chị Thảo cho biết.