Trong rất nhiều hủ tục có một vấn nạn còn tồn tại bấy lâu nay đó chính là nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Điều này không những vi phạm pháp luật mà còn để lại những hệ lụy nghiêm trọng, lâu dài về mặt xã hội.
Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật (điểm a khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 – Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên).
Hôn nhân cận huyết thống được hiểu là hôn nhân giữa nam và nữ trong cùng họ hàng thân thuộc chưa quá ba thế hệ. Đó là việc kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng huyết thống trực hệ với nhau; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời. Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì những người trong phạm vi ba đời được xác định như sau: đời thứ nhất là cha mẹ; đời thứ hai là anh chị em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; đời thứ ba là anh chị em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì.
Ngày 29/9 vừa qua, tại Hội trường UBND thị xã Sa Pa – Thị đoàn Sa Pa đã tổ chức Hội nghị truyền thông nâng cao năng lực tuyên truyền về phòng chống tảo hôn, Hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn thị xã Sa Pa cho các cán bộ đoàn cơ sở, các đoàn viên…
Tại Hội nghị các Đoàn viên vinh dự được cô Nguyễn Thị Lệ Thủy – Chuyên gia hoạt động kỹ năng công tác đội viên, học sinh, Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng trực tiếp chia sẻ những bài học quý báu và đầy cảm xúc về vấn đề “tảo hôn, Hôn nhân cận huyết thống” và biện pháp, giải pháp nâng cao năng lực truyền thông trong công tác tuyên truyền về phòng chống tảo hôn, Hôn nhân cận huyết thống trong cộng đồng.
Đây là hoạt động thiết thực và bổ ích, giúp các Cán bộ quản lý công tác Đoàn, đội tại cơ sở và các Đoàn viên, thanh niên nâng cao những kiến thức, kỹ năng tuyên truyền của bản thân. Đồng thời cũng là dịp để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đoàn viên trong việc tuyên truyền về phòng chống tảo hôn, Hôn nhân cận huyết thống.