Với mong muốn nâng tầm giá trị các sản phẩm nông nghiệp truyền thống ở địa phương, cách đây gần 2 năm, một số bạn trẻ người dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Tả Van, thị xã Sa Pa và một số địa phương lân cận đã tập hợp nhau lại và thành lập Hợp tác xã Hoàng Liên. Sau khi đi vào hoạt động, nơi đây đã trở thành điểm tựa vững chắc giúp các thành viên hợp tác xã và nhiều người dân địa phương có nguồn thu ổn định.

Hợp tác xã Hoàng Liên được thành lập hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững, phát huy những nét đặc trưng của văn hóa truyền thống địa phương, gồm các gia đình nông dân đến từ 4 dân tộc: Hmông – Giáy – Dao – Tày, trong đó đoàn viên Lồ A Lếnh là Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Liên, đến nay đã có 8 thành viên đến từ lực lượng ĐVTN và cá hộ gia đình,đã liên kết lại cùng nhau sản xuất, hoàn thiện quy trình quản lý chất lượng và xây dựng thành công thương hiệu cho 2 sản phẩm bản địa là: Giảo cổ lam và mật ong

Hiện nay, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh 2 sản phẩm chính là mật ong và giảo cổ lam. Đây là các sản phẩm được hình thành thông qua việc tham gia dự án IDEAS – Nâng cao thu nhập cho người dân tộc thiểu số dựa trên nông nghiệp bền vững. Dự án IDEAS được thành lập bởi tổ chức Agrisud International, một tổ chức phi lợi nhuận của Pháp. Dự án được thực hiện trên phương pháp tiếp cận sinh thái nông nghiệp có sự tham gia của cộng đồng tư vấn quản lý cho các doanh nghiệp nông nghiệp hộ gia đình với quy mô rất nhỏ và nâng cao vai trò của phụ nữ trong hệ thống sản xuất nông nghiệp. Dự án hoạt động với 3 mục tiêu chính: Cải thiện các hoạt động nông nghiệp hiện có; phát triển các hoạt động thu nhập theo chuỗi giá trị; thành lập nhóm sản xuất gắn với thương hiệu. Dự án đã hỗ trợ thành lập Hợp tác xã Hoàng Liên để giải quyết vấn đề tổ chức sản xuất và tìm đầu ra cho sản phẩm.

HTX Hoàng Liên hoạt động với tôn chỉ tôn trọng các giá trị của thương mại công bằng thông qua việc tạo ra cơ hội cho những người sản xuất nhỏ, xây dựng năng lực truyền thông và tiếp thị, cũng như sản xuất sản phẩm chất lượng và gắn với trách nhiệm bảo vệ môi trường. Hàng năm BCH Thị đoàn Sa Pa đã chỉ đạo đối với Chi đoàn Vườn Quốc Gia Hoàng Liên thường xuyên cử đoàn viên chi đoàn xuống để kiểm tra và hướng dẫn các quy trình cho các thành viên trong HTX

Đoàn viên Lồ A Lếnh Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Liên- “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung phát triển trồng cây ăn quả, nuôi các con vật bản địa và các nhóm phụ nữ làm nghề se lanh, dệt vải để tăng thu nhập cho bà con. Sản phẩm bà con làm ra chúng tôi thu mua về, đóng gói và bán ra thị trường”,
Năm 2022, BCH Thị đoàn Sa Pa đã hỗ trợ đoàn viên Đoàn viên Lồ A Lếnh, Hợp tác xã Hoàng Liên trong việc duy trì kinh tế tập thể thanh niên như: Kết nối với các nhà hàng, các cơ sở dịch vụ bán hàng, chợ văn hóa tại địa bàn các phường Sa Pa, phường Fan Si Păng, phường Sa Pả và các xã, phường phát triển du lịch ….. để tiêu thụ cũng như quảng bá các sản phẩm giảo cổ làm và mật ong đến du khách trong và ngoài nước. Trong năm 2022 và những năm tiếp theo, Thị đoàn tập trung hỗ trợ HTX phát triển trồng cây ăn quả, nuôi các con vật bản địa và các nhóm phụ nữ làm nghề se lanh, dệt vải để tăng thu nhập cho bà con; hạn chế tình trạng nhân dân phá rừng, trồng thảo quả…. ảnh hưởng đến đa dạng sinh học Vườn Quốc gia Hoàng Liên nói riêng và độ che phủ rừng trên địa bàn thị xã nói chung, nhằm góp phần vào công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường rừng; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ các dự án sinh kế cho người dân; đảm bảo nguồn thu nhập nâng cao đời sống, văn hóa, tinh thần.
Từ những thành công bước đầu đạt được sẽ là điểm tựa để các bạn trẻ thêm quyết tâm củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã, nâng cao đời sống cho các thành viên và người dân địa phương.