Với mong muốn tạo mối liên kết trong sản xuất và bao tiêu nông sản ổn định, giúp giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân địa phương, anh Lý Văn Minh, dân tộc Dao, sinh năm 1998 ở thôn Sảng Mào Phố, xã Tả Củ Tỷ (huyện Bắc Hà) đã thành lập Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Tả Củ Tỷ chuyên tiêu thụ chè Shan tuyết cổ thụ trên địa bàn.
Sinh ra và lớn lên ở thôn Sảng Mào Phố, xã Tả Củ Tỷ, năm 2019, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành nông – lâm nghiệp, Trường Đại học Thái Nguyên, anh trở về quê hương và nhận thấy địa phương còn giữ được nhiều diện tích chè Shan tuyết cổ thụ. Tuy nhiên, dù được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, nhưng việc bảo quản, sản xuất thành sản phẩm hữu cơ mang thương hiệu chưa được thực hiện. Đặc biệt, do tình hình dịch Covid-19 thế giới và trong nước diễn biến phức tạp khiến việc tiêu thụ nông sản bản địa gặp khó khăn. Nhiều thương lái tranh thủ ép giá các sản phẩm địa phương, trong đó có chè Shan tuyết cổ thụ. “Trước tình trạng đó, tôi quyết tâm tìm hướng đi mới cho chè Shan tuyết cổ thụ tại xã Tả Củ Tỷ. Năm 2021, tôi bàn với gia đình vay thêm vốn ngân hàng để thành lập HTX nông nghiệp Tả Củ Tỷ gồm 7 thành viên để kinh doanh chè Shan tuyết và mật ong rừng, đồng thời bắt tay nghiên cứu và thử nghiệm chế biến sản phẩm chè mới với mục đích bảo quản được lâu hơn, chất lượng tốt hơn” – anh Lý Văn Minh chia sẻ.
Sản phẩm mới của Hợp tác xã nông nghiệp Tả Củ Tỷ. |
Bước đầu thử nghiệm, HTX nông nghiệp Tả Củ Tỷ gặp không ít khó khăn do tập tính người dân nơi đây chủ yếu hái búp chè để bán cho thương lái theo truyền thống 1 búp 3 lá. Để tạo sản phẩm đặc trưng của HTX, anh Minh cùng các xã viên đã đưa ra công thức mới với cách hái chè 1 búp 1 lá, 1 búp 2 lá và áp dụng kỹ thuật sao chè mới. Quá trình làm phải rất tỉ mỉ, kỳ công và nhiệt độ khi sao chè ở mỗi giai đoạn khác nhau.
Sau thời gian tìm và đưa công thức mới vào sơ chế, đến nay, HTX đã tạo ra sản phẩm chè Shan tuyết cổ thụ 1 và chè Shan tuyết cổ thụ 2. Các sản phẩm của HTX được thị trường chấp nhận. Nhờ vậy, chè búp tươi của người dân khi hái đúng kỹ thuật đem bán cho HTX được nâng giá trị hơn so với trước.
Nguyên liệu chế biến sản phẩm chè của HTX nông nghiệp Tả Củ Tỷ được thu hái từ những đồi chè cổ thụ tại các sườn đồi trên địa bàn xã, không sử dụng chất bảo quản, quy trình sản xuất khép kín đảm bảo an toàn thực phẩm. Hiện nay, sản phẩm của HTX được bán tại chỗ và thông qua các cửa hàng tạp hóa, cửa hàng đặc sản địa phương… Khi nói về dự tính để HTX phát triển hơn trong thời gian tới, anh Minh chia sẻ thêm: HTX sẽ tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ, thực hiện bán hàng qua các sàn thương mại điện tử, thiết lập trang fanpage bán hàng để giới thiệu sản phẩm, giúp người tiêu dùng dễ tiếp cận với sản phẩm. Đặc biệt, HTX sẽ đăng ký đánh giá sản phẩm OCOP, khi đạt tiêu chuẩn, sản phẩm sẽ được nâng cao giá trị, tạo niềm tin cho khách hàng và hướng tới thị trường rộng hơn.
Để đạt mục tiêu này, HTX sẽ mở rộng quy mô nhà xưởng, đầu tư thêm trang – thiết bị chế biến chè. Ông Thào Seo Lử, Phó Chủ tịch UBND xã Tả Củ Tỷ cho biết: Từ khi hợp tác xã đi vào hoạt động đã giải quyết việc làm cho 7 lao động với thu nhập 6 – 7 triệu đồng/người/tháng, đồng thời góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn xã.
Không chỉ nhiệt huyết, đam mê trong phát triển kinh tế, anh Lý Văn Minh còn hăng hái, tích cực tham gia các hoạt động đoàn và phong trào thanh thiếu nhi tại địa phương. Năm 2022, anh được bầu vào Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên xã Tả Củ Tỷ nhiệm kỳ 2022 – 2027, giữ chức vụ Phó Bí thư Đoàn Thanh niên xã.