Mặc dù người thân không nhiệt tình ủng hộ nhưng chàng trai dân tộc Tày Hoàng Văn Khanh, ở bản Mường Kem, xã Nghĩa Đô (huyện Bảo Yên) vẫn lựa chọn cho mình con đường riêng để khởi nghiệp. Sau 3 năm với bao khó khăn, vất vả và nỗ lực, giờ đây Khanh đã có được thành quả và tự tin khẳng định với gia đình về hướng đi mình lựa chọn là đúng.
Vui vẻ, nhiệt tình, Khanh dẫn chúng tôi vào khu vực chuồng nuôi với hơn 300 con dúi, từ con giống, dúi thương phẩm đến dúi bố mẹ. Trái ngược với suy nghĩ, chuồng dúi sẽ bốc mùi khó chịu, hoặc những con dúi hung dữ sẽ cào, cắn bất cứ ai động vào chúng, nhưng thực tế, chuồng dúi rất sạch sẽ, mát mẻ, những con dúi trưởng thành lành tính và khá dễ thương. Vừa dạo vòng trong chuồng giới thiệu về thành quả của mình, Khanh vừa kể về hành trình khởi nghiệp.
Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai, anh về công tác tại Trường Tiểu học xã Tân Tiến (huyện Bảo Yên), thế nhưng trong lòng không nguôi ý định phát triển mô hình kinh tế vườn – ao – chuồng tại nhà. Sau một năm dạy học, anh quyết định chia tay nghề giáo và chuyển sang thử nghiệm trồng lan, tuy nhiên gặp nhiều khó khăn và không đạt được kết quả như mong muốn. Đang loay hoay tìm hướng phát triển kinh tế, một lần trong bản có người bắt được con dúi rừng và được thưởng thức, anh thấy thịt dúi rất thơm, ngon. Sau khi tìm hiểu, anh biết đây là món ăn nhiều chất dinh dưỡng. Cùng với nhiều loài động vật hoang dã khác, dúi trong tự nhiên đang ngày càng khan hiếm do bị con người săn bắt. Thế nhưng, không nhiều người nghĩ đến việc mang dúi tự nhiên về nuôi để nhân giống mà chỉ săn bắt và đem bán thẳng cho các nhà hàng vì lợi nhuận tức thời. Nhu cầu càng tăng càng đe dọa đến sự sống của nhiều loài động vật hoang dã, anh băn khoăn: “Vậy, thay vì bắt làm thịt, mình thử nuôi và nhân giống để có thể thưởng thức món ăn bổ dưỡng này nhiều hơn và phát triển thành thương phẩm”. Nghĩ là làm, sau khi người dân trong bản bắt được dúi rừng đem bán, anh mua luôn. Thế nhưng, dúi thuộc bộ gặm nhấm nên chỉ sau một đêm, cặp dúi rừng đã gặm cả chuồng và anh mất trắng cặp dúi rừng đầu tiên.
Không nản lòng, anh bắt đầu tìm hiểu qua tivi, sách, báo kỹ thuật nuôi dúi, cách làm chuồng, cho dúi ăn. Anh hỏi khắp nơi và mua được 20 cặp dúi giống từ Hòa Bình. Vì chưa có điều kiện làm chuồng riêng nên anh quây sắt làm chuồng dưới nhà sàn. Nhưng sau một đêm, anh lại gặp thất bại lần nữa, do nhốt chung dúi khiến chúng cắn xé lẫn nhau, nhiều con vẫn vượt hàng rào sắt và bò ra khỏi chuồng, đây là thiệt hại lớn nhất của anh. Thậm chí, để bắt lại những con dúi “trốn” khỏi chuồng, anh còn bị dúi cắn, phải vào viện khâu 7 mũi ở tay. Vừa mất dúi, con lại bị thương, gia đình anh, đặc biệt là mẹ anh kịch liệt phản đối việc anh nuôi loại thú này.
Hai lần thất bại, lại bị gia đình phản đối nhưng chính những điều này lại thôi thúc anh cố gắng. Tự cho mình thêm một cơ hội để bắt đầu lại, lần này anh không còn hấp tấp, vội vàng mà dành nhiều thời gian nghiên cứu, học hỏi và đi tham quan các mô hình nuôi dúi ở các tỉnh. Vì đã hiểu được đặc tính của dúi nên anh chú trọng làm chuồng nuôi. Dúi ưa mát nên chuồng phải rộng, anh làm hệ thống phun nước lên mái vào mùa hè, sử dụng quạt công suất lớn để dúi không bị nóng, dùng gạch lát hoa mặt nhẵn, trơn để làm chuồng. Mất 5 ngày anh tự đảo vữa, xếp và gắn từng viên gạch làm các ô ngăn nơi ở cho dúi.
Nhúp nhẹ đuôi một con dúi thương phẩm nặng khoảng 2 kg trên tay, anh Khanh tâm sự: Nếu hiểu đặc tính của dúi thì việc nuôi chúng rất dễ dàng. Đơn giản như cách bắt dúi, nếu luồn tay vào người hoặc nhúp đầu sẽ rất dễ kích động tính hung hăng của dúi và bị cắn. Thế nhưng chỉ cần túm nhẹ phần đuôi và giơ lên, dúi sẽ trở nên lành tính và để yên cho bạn xách đi khắp nơi không khác gì một con cún bông. Nuôi dúi không tốn chi phí mua thức ăn, chúng ăn vầu, tre. Với dúi thương phẩm, để ngọt thịt có thể cho uống nước mía hằng ngày.
Anh nhận thấy việc nuôi dúi không quá khó khăn, không phải thuê thêm nhân công. Mỗi ngày vợ chồng anh dành khoảng 2 giờ đồng hồ dọn chuồng, chặt tre, vầu thành các khúc nhỏ, cho ăn vào chiều tối để dúi có thức ăn cả đêm. Việc dọn dẹp cũng dễ dàng vì phân dúi không gây khó chịu, chúng giống như mùn cưa giữ cho chuồng khô ráo, ấm vào mùa đông, làm mát vào mùa hè, hoặc có thể tận dụng làm phân trồng rau.
Trải qua nhiều thất bại, 3 năm trở lại đây, việc nuôi dúi dần ổn định, hiện anh đang nuôi hơn 300 con. Chỉ hơn 1 tháng sau, những con dúi nhỏ được khoảng 300 gam sẽ được anh tách mẹ. Sau khoảng 3 tháng sẽ chuẩn bị xuất bán, với giá từ 800 nghìn đồng đến 2,5 triệu đồng/cặp dúi giống. Mỗi tháng anh tách được từ 15 đến 20 cặp. Dúi thương phẩm khoảng 1,8 đến 2,5 kg được bán với giá khoảng 400 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng/kg. Trừ chi phí, mỗi tháng anh thu nhập từ 15 đến 20 triệu đồng.
Kiên định với con đường mình chọn và đã có thành quả, Khanh dần nhận được niềm tin từ gia đình. Bà Lương Thị Thuôn, mẹ anh Khanh tâm sự: Cha mẹ chỉ mong con làm công việc nào ổn định, không phải hao tốn nhiều công sức. Thấy con vất vả, nguy hiểm nên tôi phản đối, thế nhưng giờ tôi yên tâm rồi. Mỗi khi các con đi vắng, tôi ở nhà cũng có thể giúp chặt vầu, tre, cho dúi ăn mà không còn lo lắng như trước.
Khanh là người tiên phong thử nghiệm nuôi dúi ở Nghĩa Đô. Hiện có một số hộ học theo nhưng chỉ nuôi quy mô nhỏ, từ 3 đến 4 đôi để phục vụ nhu cầu của gia đình. Sản phẩm của anh hiện không đủ cung cấp cho thị trường. Anh dự kiến mở rộng mô hình, đồng thời chế biến cho khách thưởng thức các món ăn từ dúi. Khanh chia sẻ: Để khách thưởng thức thịt dúi ngon ngay tại nhà sàn của gia đình do chính mình chế biến sẽ là hướng đi của mình trong thời gian tới!