Xuất phát từ mong muốn tạo nên thức uống lành mạnh nhưng không gây mất ngủ như các loại trà khô có hàm lượng caffeine, chị Ngân Thị Trang (sinh năm 1990), thôn Liêm, xã Liêm Phú (huyện Văn Bàn) đã xây dựng thành công thương hiệu trà thảo mộc Vạn An….
Hành trình khởi nghiệp
Tôi đến gặp chị Trang vào ngày đầu xuân mới. Trang mời tôi một ly nước có màu nâu sóng sánh, vị ngọt thanh kèm mùi thơm nồng lắng lại nơi cổ họng. “Trà gì mà vừa ngon và đẹp mắt vậy Trang?” – tôi hỏi. Trang khoe với tôi đây là sản phẩm mới “ra lò” của mình – một loại trà thảo mộc mang tên “Trà dưỡng sinh” gồm hàng loạt nguyên liệu bổ dưỡng như đông trùng hạ thảo, táo đỏ, kỷ tử… Quả thực, loại trà này đem lại cho người uống cảm giác thư thái dễ chịu đúng như tên gọi của nó vậy. Nói đoạn, Trang dẫn tôi ra khu vườn trồng hoa, thảo dược trước nhà. Các cô, các chị đang thoăn thoắt hái những bông cúc, hoa đậu biếc, hoa hồng leo, bụp giấm… để kịp cho mẻ sấy. Bắt chước Trang, tôi vuốt nhẹ tán lá cây hương thảo (cây gia vị nổi tiếng ở nhà hàng các nước châu Âu), hít thở thật sâu, cảm giác thật sảng khoái, dễ chịu từ mùi hương của tinh dầu…
Kể về “đứa con tinh thần của mình”, Trang tâm sự: Vốn là người đam mê kinh doanh nên sau khi tốt nghiệp THPT, tôi thử sức với công việc bán quần áo, giày dép Trung Quốc. Cuối năm 2019, dịch Covid-19 bùng phát, công việc bán hàng khó khăn. Tôi tìm hiểu thấy bên Trung Quốc có các loại trà hoa, sau khi mua về uống thử thấy rất ngon và tìm hiểu kỹ từng thành phần mới biết trà hoa mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, nên đã nhập bán thử. Ban đầu chỉ bán các loại hoa riêng biệt, sau đó muốn tính năng, công dụng trà phát huy được hiệu quả và tiện lợi cho khách hàng sử dụng hơn, nên tôi nghĩ ra cách kết hợp các thành phần theo từng tính năng riêng, ví dụ như giảm cân, đẹp da, giúp ăn ngon, ngủ ngon hoặc giảm stress…
Sau một thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, Trang có được cái nhìn sâu sắc về thảo mộc và hướng cho mình ngã rẽ mới – sản xuất trà thảo mộc. Trang đã tìm đến các thầy thuốc đông y để tìm hiểu từng vị trà, cách kết hợp các vị và xem có tác dụng phụ, lưu ý gì không. Trang cũng không ngờ rằng sản phẩm của mình được thị trường đón nhận nhiều hơn mong đợi. Chỉ sau 3 tháng thử sức, Trang đã phải tuyển thêm 15 nhân viên phụ việc. Trang nhận thấy, việc sản xuất thủ công nhỏ lẻ không thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Ước mơ về một hệ thống dây chuyền sản xuất chuyên nghiệp, khép kín manh nha từ đó.
Xây dựng thương hiệu “xanh”
Từ vườn thảo mộc, Trang dẫn tôi tới xưởng sản xuất. Ở đây có khoảng 20 người đang thoăn thoắt đóng gói các túi trà, một nhóm khác đang nấu những nồi đường phèn mật ong thơm ngào ngạt. Không khí lao động hăng say để nhanh kịp những đơn hàng sau kỳ nghỉ Tết.
Hợp tác xã Nông – lâm nghiệp Vạn An được thành lập tháng 10/2021 tại thôn Liêm, xã Liêm Phú đã giúp Trang hiện thực hóa ước mơ nâng tầm giá trị sản phẩm trà thảo mộc. Giống như nhiều đơn vị khởi nghiệp khác, hợp tác xã cũng gặp vô vàn khó khăn ban đầu như nguồn vốn, quỹ đất để xây dựng vùng nguyên liệu. Ngân Thị Trang, Giám đốc Hợp tác xã chia sẻ: Chúng tôi quyết định thuê 1 ha đất để canh tác thảo dược và xây dựng xưởng sản xuất trà. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phải học hỏi các mô hình khác ở nhiều tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Từ những vùng nguyên liệu này, sản phẩm được sản xuất theo quy trình khép kín, từ trồng trọt, thu hái đến sơ chế… Dược liệu sau khi thu hoạch được rửa sạch, chuyển qua công đoạn sấy lạnh để giữ toàn bộ dược tính rồi đóng gói trên dây chuyền công nghệ hiện đại.
Trang cho biết thêm: Các sản phẩm trà đều mang hương vị đặc trưng của dược liệu, không sử dụng chất tạo màu, hương liệu nên rất an toàn cho người sử dụng. Hợp tác xã đang có gần 200 mã sản phẩm trà các loại, ngoài ra còn “lấn sân” sang các dòng sản phẩm khác từ thiên nhiên như thuốc xông, muối ngâm chân… Hợp tác xã tuy mới thành lập nhưng đã xây dựng được hình ảnh, uy tín trên các sàn thương mại điện tử như Lazada, Sendo, Shope. Sản lượng bán ra thị trường trung bình gần 1 tấn trà hoa viên đường, dịp cuối năm đạt trên 2 tấn, duy trì mỗi tháng bán ra thị trường gần 60.000 gói trà hoa thảo mộc… Hợp tác xã đang tạo việc làm cho 25 lao động thường xuyên và 15 lao động thời vụ với tiền công trung bình 7 triệu đồng/người/tháng.
Trang chia sẻ về những dự định đang ấp ủ: Hợp tác xã đang nhập 80% nguyên liệu và thu mua một số loại hoa Đà Lạt, cam Hà Giang, dứa Mường Khương… Thời gian tới, hợp tác xã sẽ mở rộng vùng nguyên liệu để đảm bảo chất lượng sản phẩm và giảm chi phí sản xuất, do đó rất cần sự tạo điều kiện của chính quyền địa phương cũng như huy động thêm nguồn vốn. Ngoài ra, thời gian tới hợp tác xã sẽ cố gắng hoàn thiện các quy trình để sản phẩm trà thảo mộc đủ điều kiện xuất khẩu sang các nước lân cận.
Chặng đường xây dựng đã khó, phát triển và nâng tầm thương hiệu càng khó hơn. Để giữ vững niềm tin của khách hàng và người tiêu dùng, Trang và các thành viên hợp tác xã luôn trong tâm thế của một đơn vị khởi nghiệp, không ngừng học hỏi, tìm tòi, mong muốn tạo ra các sản phẩm vừa chất lượng, giá trị, vừa thân thiện với môi trường để phục vụ người tiêu dùng.