Trần Minh Nhật (28 tuổi), ngụ tại ấp Tân Khánh, xã Long Khánh, H.Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, là một trong những người tiên phong triển khai mô hình nuôi cua biển trong hộp nhựa.
Gác bằng kỹ sư cơ khí về quê nuôi cua
Nhà nuôi cua biển của Trần Minh Nhật rộng 60 m2, đặt 800 hộp nhựa. Dẫn chúng tôi tham quan, Nhật chia sẻ không ngớt về những kinh nghiệm đúc rút trong quá trình nuôi, cũng như tiềm năng của mô hình mới mẻ này.
Tốt nghiệp ngành cơ khí Trường ĐH Trần Đại Nghĩa (TP.HCM), Nhật lên đường nhập ngũ, mang theo ước mơ làm giàu từ mô hình nuôi thủy sản. Năm 2022, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh trở về địa phương, mạnh dạn đầu tư 15 triệu đồng để mua 50 hộp nhựa nuôi cua. “Nuôi trong hộp nhựa để thu hoạch cua lột, cua cốm, giá trị cao gấp 2 – 3 lần so với cua thịt thông thường. Ở nước ta, một số công ty đã thực hiện mô hình này và tôi nhận thấy có nhiều tiềm năng. Từ nguồn con giống dồi dào ở quê mình, tôi quyết định đầu tư khởi nghiệp“, Nhật chia sẻ.
Tuy nhiên, chuyện khởi nghiệp không dễ dàng. Thời gian đầu, Nhật nếm “trái đắng” do mua nhầm cua giống kém chất lượng, tỷ lệ hao hụt hơn 50%. Bên cạnh đó, Nhật chưa có nhiều kinh nghiệm về nuôi nhốt tự nhiên trong hộp nhựa bé xíu, cách xử lý nguồn nước…
Với suy nghĩ “thất bại là mẹ thành công”, Nhật kiên trì khắc phục sai sót trong quá trình nuôi, tìm mua con giống chất lượng, xử lý lại nguồn nước. Sau 2 năm vừa nuôi vừa tự rút kinh nghiệm. Đến nay, Nhật đã thành công và nhân rộng mô hình nuôi với 800 hộp nhựa, đồng thời đầu tư hệ thống lọc thải chuyên nghiệp với chi phí hơn 500 triệu đồng.
Chủ động được nguồn cua lột, cua cốm
Chia sẻ về bí quyết về mô hình này, Nhật cho biết giống được mua từ các hộ nuôi cua quảng canh tại địa phương, trọng lượng từ 150 – 200 gram/con và đảm bảo khỏe mạnh để phát triển trong môi trường mới là hộp nhựa.
Riêng nguồn nước được dẫn trực tiếp từ đầm gần nhà, có độ mặn tương ứng với người dân đang nuôi quảng canh và phải qua xử lý, lọc sạch trước khi dẫn vào những hộp nuôi. Trong suốt quá trình nuôi, thường xuyên vệ sinh hộp nhựa, kiểm tra thông số, chất lượng nguồn nước, bổ sung khoáng chất cần thiết cho cua phát triển tốt. Thức ăn cho cua chủ yếu là hải sản tươi như cá, ốc… Cua nuôi khoảng 45 ngày có thể xuất bán.
Theo Nhật, nuôi trong hộp nhựa có nhiều ưu điểm vượt trội vì chủ động thu hoạch được cua lột, cua cốm có giá trị cao gấp 2 – 3 lần so với cua thịt thông thường. Bởi, nếu nuôi ở môi trường thiên nhiên, khi đến giai đoạn lên cốm, cua thường tìm chỗ ẩn nấp, ít kiếm ăn nên khó bắt.
Mỗi tháng, Nhật xuất bán khoảng 150 kg cua lột và 50 kg cua cốm khắp các tỉnh, thành trong nước, nhiều nhất là TP.HCM. Cua lột thường có giá trung bình 650.000/kg, cua cốm 690.000 đồng/kg. Nhờ đó, Nhật có lợi nhuận hơn 30 triệu đồng/tháng.
Nhật cho biết đã đăng ký thành công thương hiệu sản phẩm OCOP 3 sao của huyện cho sản phẩm cua lột thương hiệu Cơ Bắp của mình. Sắp tới, Nhật sẽ liên kết với các hộ dân để xây dựng nguồn cua nguyên liệu, hình thành chuỗi cung ứng ra thị trường.
Anh Lê Vĩnh Lâm, Phó bí thư Huyện đoàn Duyên Hải, nhận xét mô hình nuôi cua biển trong hộp nhựa của Nhật là một trong những điểm sáng về phong trào thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp tại địa phương. Qua đó, góp phần khẳng định bản thân và phát triển kinh tế cá nhân.