Ngày 22/4/2022, Chính phủ ban hành Quyết định số 505/QĐ-TTg, lấy ngày 10/10 hằng năm là ngày Chuyển đổi số quốc gia. Đây là dấu mốc khẳng định vai trò quan trọng của chuyển đổi số, đưa nhiệm vụ phát triển kinh tế số, xã hội số ở mức ưu tiên cao trong các chiến lược phát triển quốc gia.
Ngày Chuyển đổi số hướng đến mục tiêu đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia, thực hiện có hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 03/6/2020 của của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số. Thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.
Tại Lào Cai, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, phục vụ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, khai thác hiệu quả thành tựu công nghệ thông tin vào phát triển kinh tế – xã hội.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, ngay từ năm 2015, Tổ ứng cứu sự cố máy tính của tỉnh được thành lập nhằm phục vụ công tác điều phối, ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh và tham gia công tác ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia.
Năm 2020, nhận thấy công tác đảm bảo an toàn thông tin chưa được các cơ quan quan tâm đúng mực, một số cơ quan, tổ chức, cá nhân còn chủ quan, sơ hở trong công tác quản lý thông tin nội bộ và thông tin bí mật nhà nước, dẫn đến nguy cơ mất an toàn thông tin, tỉnh Lào Cai ban hành Chỉ thị số 12/CT-UBND về tăng cường đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Năm 2021, tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số tỉnh Lào Cai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời thành lập Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng trên cơ sở kiện toàn lại Tổ ứng cứu sự cố máy tính của tỉnh với sự tham gia của 50 thành viên.
Đến năm 2022, hòa nhập với xu thế toàn quốc chuyển đổi số, Thường trực Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 17/01/2022 về chuyển đổi số tỉnh Lào Cai đến năm 2025 và định hướng đến 2030 nhằm thúc đẩy sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Nghị quyết xác định rất rõ “Nhận thức” đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số; người dân và doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số.
Mục tiêu đến năm 2025, Lào Cai nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố ở mức khá về chỉ số xếp hạng chuyển đổi số. Phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu chính về chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của tỉnh chiếm khoảng 15 – 20%. Trên 50% doanh nghiệp vừa vả nhỏ sử dụng nền tảng số, 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử, tham gia thương mại điện tử… Đến năm 2030 phấn đấu 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; kết nối, liên thông chia sẻ dữ liệu thông suốt, đồng bộ trong 100% cơ quan trong hệ thống chính trị. Trên 80 % người dân có kĩ năng số cơ bản. Tiếp tục phát triển đô thị thông minh đồng bộ, góp phần thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững…
Nhằm phục vụ chuyển đổi số, theo báo cáo từ Sở Thông tin và Truyền thông, đến nay toàn tỉnh có 2967 trạm thu phát sóng thông tin di động (BTS), trong đó có 1212 trạm 4G và 05 trạm 5G. Hạ tầng viễn thông với độ bao phủ rộng, chất lượng cao, phủ sóng di động đến 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn, trên 95% thôn, tổ dân phố; cung cấp dịch vụ internet đến 60% thôn, tổ dân phố; tỷ lệ dân số có điện thoại thông minh đạt 51,4%; tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng đạt 53,3%. Lào Cai là tỉnh/thành phố thứ 18 trên cả nước triển khai phủ sóng 5G góp phần thúc đẩy kích cầu du lịch, phục hồi kinh tế du lịch và đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số trên địa bàn.
Bên cạnh, Trung tâm dữ liệu của tỉnh gồm 15 máy chủ (05 máy chủ vật lý, 10 máy chủ ảo hóa), cơ bản được đầu tư hiện đại, đồng bộ, đảm bảo việc triển khai, vận hành các ứng dụng, cơ sở dữ liệu dùng chung của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Có 564 chứng thư số tổ chức, 2016 chứng thư số cá nhân đang hoạt động, phục vụ ký số văn bản, hồ sơ điện tử.
Về phát triển chính quyền số, kho dữ liệu dùng chung của tỉnh có chức năng tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, lĩnh vực hỗ trợ các cơ quan có liên quan khai thác, phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động quản lý, điều hành, đơn giản hóa quy trình thủ tục hành chính.
Tỉnh đã triển khai đưa vào áp dụng nhiều ứng dụng dùng chung phục vụ công tác nội bộ của cơ quan, đơn vị như: iOffice, thư điện tử công vụ, hội nghị truyền hình, ISO điện tử… Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành – iOffice đã triển khai áp dụng cho các cơ quan từ cấp tỉnh đến cấp xã. Từ đó, liên thông gửi nhận văn bản điện tử thông suốt từ Trung ương đến cấp xã và liên thông gửi nhận văn bản điện tử với hệ thống iOffice của Văn phòng Tỉnh ủy.
Đặc biệt, cổng dịch vụ công của tỉnh (iGate) đáp ứng thực thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, đã tích hợp hỗ trợ tổ chức, cá nhân thanh toán phí, lệ phí, thuế thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến, liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia theo quy định. Tính đến ngày 30/6/2022, toàn tỉnh có 1.761/1.966 TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên cổng dịch vụ công của tỉnh, đạt 89,5%. Đã triển khai tích hợp 1.303/1.761 (đạt 74%) dịch vụ công mức độ 3, 4 lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Đồng thời đảm bảo việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Duy trì ứng dụng Zalo trong xây dựng Chính quyền điện tử, hệ thống thông tin phản ánh hiện trường; App công dân (Công dân số Lào Cai); App du lịch thông minh trên nền tảng thiết bị di động thông minh; hệ thống thông tin chăm sóc sức khỏe bệnh nhân Covid-19 tại nhà, … phục vụ cho người dân, doanh nghiệp khai thác, tra cứu thông tin, thực hiện thủ tục hành chính.
Năm 2022, năm đầu tiên của ngày Chuyển đổi số quốc gia được xác định với chủ đề “Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân”. Theo đó, các hoạt động tập trung vào phát động các sáng kiến mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Để thực hiện hiệu quả chuyển đổi số, cần triển khai thực hiện tốt các giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng, đồng thời, chuyển đổi nhận thức của người dân về thực hiện chuyển đổi số, thực hiện tốt chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp ưu tiên sử dụng các dịch vụ, tiện ích chính quyền số.
Quỳnh Hoa