Không bảng phấn, lớp học đông bất ngờ, có bạn lấy luôn ghế làm bàn, ngồi bệt xuống nền nhà… Dẫu vậy, lớp học với gia sư áo xanh ở khu lưu trú công nhân số 48 (quận Bình Tân, TP.HCM) luôn vang tiếng học bài của lũ trẻ, khi lại rộn tiếng cười đùa.
Chương trình Gia sư áo xanh đã được nhiều sinh viên tình nguyện tại TP.HCM đăng ký tham gia và lặng lẽ thực hiện nhiều tuần qua.
Buổi học kèm đầu tiên
“Hãy kể tên ba tỉnh thành bắt đầu bằng chữ Quảng”, Tiến Đạt (sinh viên Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) cất lên, 16 bạn nhỏ tại lớp học với gia sư áo xanh ở khu lưu trú số 48 xôn xao. Cậu bé Huỳnh Thanh Long (lớp 2) giơ tay, trả lời liền là ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Quảng Ngãi. Các bạn khác cũng không chịu thua, thi nhau liệt kê tên các tỉnh khác làm cả lớp cười rần rần.
Chị Nguyễn Thị Kim Hồng (chủ khu lưu trú số 48) nói khá bất ngờ vì ban đầu chỉ có năm bạn đăng ký, cũng vừa với gian phòng khách nhà chị. Thế rồi khi lớp học bắt đầu, không chỉ có con em công nhân đang trọ trong khu mà một số gia đình xung quanh biết và xin gửi con đến theo học. Vậy là nhà chị Hồng ở đường Trần Thanh Mại (phường Tân Tạo A, quận Bình Tân) trở thành “mái trường” rộn tiếng trẻ thơ mỗi chiều thứ ba và thứ năm hằng tuần.
Sắp lên lớp 2, Tuấn An (quê Thanh Hóa) – có ba mẹ làm công nhân Khu công nghiệp Tân Tạo – vẫn đầy rụt rè. Năm học rồi, An đạt loại xuất sắc dù chưa từng một lần biết đến lớp học thêm. Đến với lớp học của gia sư áo xanh, An nhờ các anh chị chỉ thêm một số phép toán hay quên. “Đây là lần đầu em được học thêm chứ chỉ tự học ở nhà, gặp bài khó đợi mẹ về chỉ”, An lễ phép nói.
Đam mê và bộc lộ năng khiếu vẽ từ nhỏ nhưng Lại Ngọc Giao (lớp 9) chưa được học vẽ một cách nghiêm túc. Từ khi có lớp học này, Giao được bạn Trung Hậu (Trường cao đẳng Kinh tế TP.HCM) kèm cặp, chỉ dạy tỉ mỉ. Hai thầy trò cùng học cách phân chia bố cục, tạo khối, đi nét cho tới pha màu, điểm màu sáng tối.
“Em đã biết cách để có một bức tranh đẹp, phải chia bố cục, đi nét đậm nhạt chứ trước giờ chỉ lên mạng rồi sao chép lại thôi”, Giao khoe.
Học nhẹ nhàng, rèn kỹ năng
Đã qua buổi thứ ba đứng lớp, Trần Hồng Anh Thy (Trường ĐH Tài chính – Marketing TP.HCM) vẫn nhớ như in cảm giác lo lắng vì lần đầu lên lớp gia sư áo xanh. Cô gái đăng ký đứng lớp dạy tiếng Anh, tiếng Việt. Thy lo vì lần đầu gặp nhau, sợ khoảng cách sẽ khiến việc truyền đạt kiến thức bị đứt đoạn, không hiệu quả.
“Mỗi bạn một tính cách nhưng thấy các bạn hào hứng làm tụi mình mừng lắm, ai cũng chăm học và muốn học thực sự”, Thy kể.
Lý do để cô sinh viên năm hai ấy tình nguyện làm gia sư áo xanh chỉ đơn giản là “muốn trải nghiệm, muốn cho đi”. Thy từng định đi tình nguyện từ hè năm đầu nhưng do trùng lịch học giáo dục quốc phòng nên hè năm nay mới toại nguyện. Thy tâm sự bản thân được nhận lại và thấy hạnh phúc, học được cách làm quen bạn mới, cách vỗ về một bạn nhỏ đang lo sợ, cả cách làm việc nhóm sao cho hiệu quả.
Ngọc Trân – sinh viên năm cuối Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, điểm trưởng lớp học gia sư áo xanh tại khu lưu trú số 48 – nói trước khi nhận lớp, cả nhóm đã ngồi lại, lên kế hoạch giảng dạy sao cho tiết học trở nên ý nghĩa nhất. Các bạn tập trung học các kiến thức trọng tâm từng môn để bù đắp điểm yếu của từng bạn học sinh.
Mỗi buổi học chừng 45 phút thôi. Sau đó lớp sẽ chuyển sang phần sinh hoạt vui chơi, giao lưu, thi đố vui có thưởng. Đặc biệt, phần sinh hoạt giao lưu này thường tập trung vào những hoạt động giúp các bạn nhỏ hoàn thiện hơn một số kỹ năng như giao tiếp, xử lý tình huống…
“Với khoảng thời gian ngắn sẽ rất khó để có thể rèn hết được các kỹ năng, do đó nhóm chỉ đặt mục tiêu ngoài ôn tập kiến thức bài vở, sẽ cố gắng để các bạn nhỏ được học, trải nghiệm thêm càng nhiều kỹ năng nhất càng tốt”, Ngọc Trân nói
Sưu tầm