Sáng kiến băng chuyền tự động, hệ thống đế nâng đồ giá rẻ từ vật liệu có sẵn xuất phát từ vất vả của công nhân khi thao tác lặp đi lặp lại, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.
Sáng kiến băng chuyền tự động giúp chị Nguyễn Thị Thu Trang – công nhân Công ty TNHH điện Stanley Việt Nam – là một trong 100 công nhân giỏi thủ đô 2023 được Liên đoàn Lao động TP Hà Nội tuyên dương ngày 6-5.
Lễ tuyên dương Công nhân giỏi thủ đô 2023 nhằm hưởng ứng Tháng công nhân, mừng kỷ niệm 137 năm Ngày Quốc tế lao động 1-5, 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc.
Lấy máy móc bù sức người
Chị Nguyễn Thị Thu Trang chia sẻ tất cả sáng kiến, cải tiến đều xuất phát từ sự vất vả của công nhân. Chị kể nếu máy móc tự động hóa có thể làm những khâu tốn sức người thì năng suất, chất lượng sản phẩm sẽ cao hơn.
“Hằng ngày thấy anh chị em công nhân phải bê những thùng sản phẩm, nguyên liệu rất nặng, tôi và đồng nghiệp ở bộ phận lên ý tưởng, thử nghiệm đế nâng, đẩy đồ”, công nhân này nói.
Một lần khác, chị Trang thấy mọi người trong xưởng dùng dao rạch băng dính ở các thùng các tông bằng tay. “Những thao tác rất đơn giản như vậy, nếu làm liên tục một ngày cũng rất mệt mỏi, tốn thời gian”, chị bày tỏ.
Do vậy, chị Trang cùng các đồng nghiệp đưa vào thử nghiệm băng chuyền gắn lưỡi dao, vừa tăng năng suất, vừa giảm nguy cơ tai nạn cho người lao động khi làm việc với dao. Qua những sáng kiến trên, từ tháng 4-2022 đến tháng 4-2023, công ty này đã hưởng lợi gần 70 triệu đồng.
Đặc biệt, các sản phẩm do chị và cộng sự sáng tạo có chi phí thấp, hiệu quả cao, các chi tiết máy đều từ những vật liệu sẵn có, thời gian lắp ráp chỉ 1-2 tuần.
“Mỗi tháng tôi đều phấn đấu đưa ra các sáng kiến trong công việc để tiết kiệm thời gian của các công đoạn sản xuất, giảm tiêu hao nguyên vật liệu, giảm diện tích đặt để sản phẩm”, chị Trang bộc bạch.
Chị Trang cũng khuyên các bạn trẻ cần chú ý học hỏi, quan sát người có kinh nghiệm đi trước để tiếp tục kiến thức, kinh nghiệm, đồng thời thẳng thắn đặt câu hỏi khi làm việc, phát hiện bất cập trong sản xuất. Nếu có ý tưởng sáng tạo, người trẻ nên mạnh dạn báo cáo cho lãnh đạo bộ phận, phân xưởng để thử nghiệm.
Cũng là công nhân giỏi được vinh danh, anh Nguyễn Văn Hợp – công nhân cơ điện Công ty CP Goldsun Việt Nam – tâm sự từ đầu năm 2021 đến giữa năm 2022, anh đã nghiên cứu và cải tiến dây chuyền sản xuất bếp solo. Cụ thể, anh công nhân này đã cải tiến hệ thống làm mát để hệ thống hàn ổn định hơn. Dù chỉ là cải tiến nhỏ nhưng thời gian hàn giảm đi đáng kể, chất lượng sản phẩm cũng tốt hơn.
“Đạt được thành tích nhưng mình vẫn nghĩ bản thân phải cố gắng hơn. Càng ngày công nghệ càng phát triển. Mình còn trẻ mà không nỗ lực, học hỏi thì không theo được thời đại mới. Mình không rõ vấn đề gì thì lên mạng tìm kiếm, tự nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm của những người giỏi hơn”, anh Hợp nói.
Bên cạnh vinh danh, những công nhân có sáng kiến, sáng tạo, cải tiến có giá trị đều được các công ty khen thưởng, đề xuất tăng lương…
Sáng tạo nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện đời sống người lao động
Theo ông Phạm Quang Thanh – chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội, sau 15 năm, phong trào thi đua lao động giỏi phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi thủ đô” được hưởng ứng, duy trì và phát triển.
Những công nhân giỏi trực tiếp lao động tại các doanh nghiệp đều tiêu biểu, cần cù, sáng tạo, góp phần cùng đơn vị sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
“Phong trào thi đua đã động viên, khai thác tiềm năng, trí tuệ, tâm huyết của từng công nhân lao động trong nghiên cứu, sáng tạo, tìm tòi. Những sáng kiến cải tiến, hợp lý hóa sản xuất tạo ra năng suất, chất lượng, hiệu quả cao nhất.
Đồng thời, tiết kiệm vật tư, vật liệu, hạ giá thành sản phẩm, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và cải thiện đời sống người lao động”, ông Thanh nêu rõ.
Còn ông Trần Thanh Hải – phó chủ tịch thường trực Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam – đề nghị các cấp công đoàn chú ý giải pháp giúp người lao động phát huy sáng kiến, tự hào về thành quả lao động, tăng hiệu quả công việc.
Sưu tầm