Dáng người nhỏ bé, đôi chân khuyết tật khiến việc đi lại khó khăn, nhưng cô giáo Ngô Xa Mạ, dân tộc Xá Phó, đang công tác tại Trường PTDT bán trú Tiểu học Tả Giàng Phình (xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa) vẫn hằng ngày đi bộ tới lớp với nụ cười trên môi, tận tình dạy tiếng Anh cho học trò vùng cao…
Từ Cao Sơn đến Ngũ Chỉ Sơn
Tiếng trống báo hiệu giờ ra chơi kết thúc, bắt đầu tiết học mới ngân vang cả thung lũng Ngũ Chỉ Sơn, tôi thấy cô Ngô Xa Mạ tập tễnh đi trên hành lang lớp học. Khi cô giáo bước vào lớp, học sinh nghiêm túc đứng lên chào rồi ngồi xuống bàn học. Bao giờ cũng thế, trước khi kiểm tra bài cũ, cô Mạ cười thật tươi và bắt đầu với những câu giao tiếp bằng tiếng Anh quen thuộc, tạo không khí thoải mái để các em học tập.
Hành trình đến Ngũ Chỉ Sơn của cô Mạ bắt đầu năm 2020, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai, cô giáo Ngô Xa Mạ xin dạy học tại Trường PTDT bán trú Tiểu học Cao Sơn (Mường Khương). Mặc dù biết đó là nơi xa xôi, vất vả, đôi chân khuyết tật không đi được xe máy, nhưng cô vẫn nhờ bố đưa lên trường và quyết tâm thực hiện ước mơ làm cô giáo. Sau 1 năm, cô xin về Sa Pa, dạy hợp đồng tại Trường PTDT bán trú Tiểu học Tả Giàng Phình, xã Ngũ Chỉ Sơn.
Với những giáo viên bình thường, việc dạy học tại địa bàn khó khăn, heo hút nhất tỉnh đã gian nan, với cô giáo khuyết tật còn khó khăn hơn nhiều. Ít ai tin rằng, cô giáo Ngô Xa Mạ đã không bỏ nghề dạy học mà vẫn từng ngày kiên trì “gieo chữ” trên rẻo cao. Cô giáo Ngô Xa Mạ tâm sự: Đa phần học sinh ở đây là người Mông, người Dao, nhiều em nói tiếng phổ thông chưa sõi, nên việc học tiếng Anh của chúng gặp nhiều trở ngại. Tôi chọn phương pháp dạy các em từ những gì đơn giản, gần gũi, dạy đi dạy lại nhiều lần để các em dễ nhớ, dễ học.
Cô giáo Ngô Xa Mạ trong một buổi lên lớp
“Vất vả nhất là vào những ngày mùa đông giá lạnh, trường học trên đỉnh núi cao cả tháng chìm trong sương mù và rét thấu xương. Khi mới lên trường chưa quen ai, tôi phải dậy sớm đi bộ gần 2 km mới tới lớp. Có những hôm trời rét quá, đôi chân tê cóng và đau nhức tưởng như bước không nổi, nhưng hình ảnh học sinh ở thôn, bản xa lặn lội tới trường đang chờ mình trên lớp thôi thúc tôi bước tiếp”, cô giáo người Xá Phó nhớ lại.
Tuổi thơ nghèo khó và nghị lực vươn lên
Sinh ra và lớn lên ở thôn Nậm Kéng, xã Liên Minh (thị xã Sa Pa), không may mắn như bao đứa trẻ Xá Phó khác, Ngô Xa Mạ sinh ra đã rất yếu và bị khuyết tật đôi chân, tưởng như không thể đi lại được. Nhìn chúng bạn hằng ngày đi học, vào rừng chăn trâu, lấy củi, chạy nhảy vô tư, Ngô Xa Mạ “thèm” lắm, nên quyết tâm tập đứng, tập đi, nhưng chân tập tễnh không thể đi nhanh như các bạn.
Nỗ lực chiến thắng khiếm khuyết của bản thân để đến trường, Ngô Xa Mạ đã khiến bạn bè phải nể phục khi luôn đạt thành tích xuất sắc trong học tập và thi đỗ vào Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai. Tuy đôi chân không lành lặn, có những lúc cảm thấy chạnh lòng, nhưng khi nghĩ tới giây phút được đứng trên bục giảng, được học trò gọi là cô giáo, Mạ thêm tin tưởng, lạc quan. Để rồi, chính đôi chân nhỏ bé không lành lặn ấy đã làm nên những điều bất ngờ khiến mọi người nể phục khi đưa Mạ đến tận đỉnh núi Cao Sơn mây phủ, đến Tả Giàng Phình dưới chân núi Ngũ Chỉ Sơn vời vợi giữa mây trời để “gieo chữ”.
Từ đầu năm học 2021 – 2022 đến nay, do Trường PTDT bán trú THCS Tả Giàng Phình thiếu giáo viên tiếng Anh, nên cùng với dạy ở Trường Tiểu học, cô giáo Mạ còn được phân công dạy tăng cường cho cả Trường THCS. Vậy là cô giáo Ngô Xa Mạ vượt qua khó khăn để dạy học cho cả 2 trường ở thung lũng Tả Giàng Phình. Thầy giáo Nguyễn Vĩnh Nam, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS Tả Giàng Phình cho biết: Trước đây, khi ở xã Liên Minh, tôi đã trực tiếp dạy Ngô Xa Mạ. Giờ đây, hai thầy trò lại trở thành đồng nghiệp công tác cùng một trường. Tôi rất tự hào vì cô học trò nhỏ ngày nào đã trưởng thành và là cô giáo được học sinh yêu mến. Nhờ những bài giảng gần gũi, dễ hiểu của cô giáo Mạ mà môn tiếng Anh dần được học sinh yêu thích, không còn là “nỗi sợ” của học trò vùng cao Tả Giàng Phình. Câu chuyện về cô giáo Mạ đã tiếp thêm động lực cho thầy và trò nơi đây vượt qua mọi khó khăn để dạy và học thật tốt.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Trường Chinh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Sa Pa cho biết: Tôi từng có nhiều năm công tác ở xã Liên Minh nên hiểu rõ khó khăn, vất vả cũng như nỗ lực của cô giáo Ngô Xa Mạ trên hành trình tìm đến con chữ và thực hiện ước mơ trở thành giáo viên. Tuy sức khỏe hạn chế, lại công tác ở xã vùng cao đặc biệt khó khăn, nhưng cô giáo Ngô Xa Mạ luôn vượt khó vươn lên, trở thành tấm gương sáng về ý chí và nghị lực để thầy và trò các trường học tập, noi theo.
Nguồn: Trang thông tin điện tử Tỉnh đoàn Lào Cai