Một nghiên cứu do Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế (OECD) vừa công bố nhấn mạnh khả năng này đặc biệt cần thiết đối với người trẻ, nhất là học sinh, sinh viên nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc sống có nhiều biến động và đổi thay.
Mở lòng kể về câu chuyện của bản thân, Nguyễn Hoàng Kim Khánh (33 tuổi) chọn cách viết lại những trải nghiệm bởi với cô, “viết là một phần của quá trình chữa lành”.
“Ôm ấp” cảm xúc tiêu cực
Kể từ năm 2018, Khánh liên tục mất ba người thân gồm cha, anh trai và anh rể. Trong đó, anh trai cô mất đột ngột, còn anh rể qua đời do COVID-19, cả gia đình không có cơ hội được nhìn mặt anh lần cuối kể từ khi anh vào khu cách ly điều trị. Khánh kể, dù cả gia đình hầu như ai cũng lạc quan và có khiếu hài hước, họ vẫn nhiều lần phải đối mặt với sự trầm lắng, đau thương.
“Mình chưa kịp hồi phục thì biến cố mới đã ập đến, rồi những tai nạn lớn, nhỏ liên miên xảy đến, cả về thể chất lẫn tình cảm. Có thời điểm mình bị chấn thương, nằm một chỗ hơn hai tháng trời”, Khánh nói. Tích cực là vậy, có lúc Khánh không còn dám tin vào câu nói “mọi thứ rồi sẽ ổn”.
Sau nhiều lần tự hỏi “tại sao” và cảm thấy bất công vì những biến động lại đổ dồn lên mình nhiều đến thế, Khánh dần học được cách chấp nhận.
“Mình cho phép bản thân đối diện với những khoảnh khắc đau buồn, thay vì gồng mình giấu đi hoặc cố gắng tránh né chúng. Mình có thể chạy thêm vài vòng xe trước khi về đến nhà để khóc cho đã, hoặc viết blog cho riêng mình đọc. Mình được chữa lành từ những điều nhỏ bé ấy”, Khánh trải lòng.
Là người hướng ngoại, cô tìm đến bạn bè, mạnh dạn chia sẻ vấn đề của mình với những người mà cô tin tưởng, học cách đánh giá lại tình huống một cách khách quan hơn. Cô nấu ăn, làm bánh, học vẽ, chạy bộ…, làm quen với những sở thích mới để giải tỏa năng lượng tiêu cực.
Trong khi đó, Lê Kim Ngân (28 tuổi) tự mình học cách phục hồi tinh thần trong thời điểm dịch COVID-19 đợt 4 bùng phát tại Việt Nam. Giãn cách xã hội làm hạn chế mọi cơ hội gặp gỡ bạn bè, áp lực từ công việc, cộng với căn bệnh trầm cảm khiến Ngân bị bủa vây trong những cảm xúc tiêu cực.
Thời điểm đầy lo lắng, Ngân tình cờ đọc được một vài nghiên cứu về tầm quan trọng của kỹ năng phục hồi tinh thần sau biến cố, đặc biệt khi đại dịch COVID-19 đang diễn ra căng thẳng. Cô tìm hiểu, rồi rút ra cho mình một số phương pháp như thiền, nghe nhạc không lời, đọc sách về giá trị cuộc sống, học cách suy nghĩ lạc quan và chấp nhận mọi cảm xúc.
Chỉ vài tháng sau đó, Ngân tiếp tục gặp cú sốc tình cảm. Cô chới với, có những ngày khóa cửa nhốt mình trong phòng. Sau một tuần đầu “lây lất”, Ngân nhớ lại những kỹ năng mà cô học được trong những ngày ở nhà tránh dịch.
“Mình tìm cách nhận biết cảm xúc, chấp nhận và ôm ấp những cơn giận và nỗi buồn của mình. Mình ngắt mọi kết nối với mạng xã hội khi nhận ra việc liên tục đọc những thông tin khiến mình mệt mỏi hơn”, Ngân chia sẻ.
Kim Ngân chọn cách quay về bên trong, yêu thương bản thân và gần gũi với gia đình nhiều hơn. Cô đọc sách, trồng cây, ngồi thiền và viết nhật ký. Mỗi khi xuất hiện cảm xúc tiêu cực, cô không chối bỏ hay tự trách mình yếu đuối như trước kia.
“Mình hiểu rằng mọi thứ cần có thời gian. Mình nhận ra chính việc thừa nhận và ôm ấp mọi cảm xúc lại giúp mình mạnh mẽ và chữa lành vết thương nhanh hơn”, cô nói.
Kỹ năng có thể rèn luyện
Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hồng Ân (giám đốc Chương trình tâm lý học ĐH Hoa Sen), khả năng phục hồi sau biến cố là tiến trình mỗi cá nhân thích ứng và phát triển khi đối mặt với những thử thách, khó khăn, căng thẳng và sang chấn. Ban đầu, khái niệm này được hình thành và chú ý phát triển trong các nghiên cứu ở trẻ em với định nghĩa là khả năng trẻ nhanh chóng hồi phục sau một biến cố tiêu cực. Dần dần, đây được xem là kỹ năng quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của cá nhân.
“Trong đại dịch vừa qua, tất cả chúng ta nhận ra rằng con người có những giới hạn vượt ra khỏi khả năng kiểm soát của mình. Những thay đổi trong cuộc sống, đau thương, mất mát… có thể đến với mỗi người một cách bất ngờ, dồn dập”, thạc sĩ Hồng Ân cho biết.
Khi những sự kiện khó khăn nhấn chìm suy nghĩ và cảm xúc của mỗi người, chúng dẫn đến một vòng xoáy tiêu cực, tạo ra cảm giác bất lực, thất vọng, mất niềm tin vào bản thân và tương lai.
“Khả năng phục hồi giúp cá nhân suy nghĩ linh hoạt, cân bằng và quản lý cảm xúc tốt hơn, từ đó thông hiểu và chấp nhận những điều đang diễn ra, đưa đến những đáp ứng và chiến lược giải quyết phù hợp”, thạc sĩ Ân giải thích. Từ đó, khả năng này không chỉ tạo cơ hội để cá nhân vượt qua những khó khăn hiện tại mà còn giúp họ có thêm kinh nghiệm và kỹ năng ứng phó với những nghịch cảnh trong tương lai.
Thạc sĩ Ân nhấn mạnh khả năng phục hồi vừa là đặc tính của mỗi cá nhân nhưng cũng có thể được vun bồi. Theo dự án “Đường đến sự phục hồi” do Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ thực hiện, kỹ năng này có thể được trau dồi thông qua chăm sóc sức khỏe toàn diện, suy nghĩ lành mạnh, khả năng kết nối với những người xung quanh và nhìn nhận ý nghĩa cuộc sống.
Mỗi cá nhân, nhất là người trẻ cần học cách chăm sóc cơ thể thông qua các chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi, vận động hợp lý, thư giãn và tìm lại cân bằng với các hoạt động như hít thở, yoga hay ghi nhận những điều khiến họ biết ơn hằng ngày. Suy nghĩ lành mạnh, xem xét vấn đề một cách linh hoạt và bao quát cũng là điều giúp người trẻ luyện tập để nâng cao khả năng phục hồi.
“Các nghiên cứu cho thấy những người có sự ổn định về cảm xúc và suy nghĩ có khả năng phục hồi tốt hơn. Hãy phản biện lại những quan điểm của chính mình, nhìn nhận điểm mạnh, điểm yếu và học cách chấp nhận rằng thay đổi là một phần của cuộc sống”, thạc sĩ Ân giải thích.
Ngoài ra, cần xây dựng mối liên hệ với những nguồn lực xung quanh, kết nối với mọi người thay vì thu mình lại. Việc tìm đến những mối quan hệ đáng tin cậy, an toàn và chân thật để chia sẻ, tìm kiếm và tham gia các hội, nhóm giúp gia tăng sự đồng cảm, thấu hiểu, xây dựng niềm tin và sự lạc quan.
“Bên cạnh đó, tìm thấy ý nghĩa trong tình huống hiện tại cũng là yếu tố quan trọng. Suy xét, xác định, đúc kết ý nghĩa của những sự kiện đang xảy ra giúp người trẻ lựa chọn được cách họ phản ứng với nghịch cảnh”, thạc sĩ Hồng Ân phân tích.
Có bùn mới có sen
Kim Khánh chia sẻ, những biến cố giúp cô sống trọn vẹn hơn ở mỗi phút giây hiện tại. Cô cố gắng nhiều hơn trong mỗi việc mình làm, trách nhiệm hơn trong cuộc sống và mối quan hệ với mọi người, đồng thời tận hưởng cuộc sống. Cô cũng nhận ra giá trị của gia đình – nơi mọi người an ủi, vỗ về nhau qua mỗi biến cố.
Tại công ty của Khánh, nhiều năm qua, kỹ năng phục hồi sau biến cố còn nằm trong các yếu tố của thang đo năng lực và giá trị cốt lõi, ảnh hưởng đến kết quả đánh giá chất lượng toàn diện của mỗi nhân viên.
Trong khi đó, Kim Ngân cho biết cô học được cách nhìn ra cơ hội trong những thử thách. Trước những chuyện không vui, cô rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân và trau dồi kỹ năng quản lý cảm xúc.
“Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã từng nói, chạy trốn khổ đau để đi tìm hạnh phúc thì cũng như đi tìm hoa sen ở nơi không có bùn. Mình nghĩ chúng ta không ai chạy trốn được khổ đau. Vì thế, điều tốt nhất có lẽ là học được cách bình an giữa “cơn bão”, để tâm mình luôn bình yên trước những xao động của cuộc đời vốn dĩ vô thường”, Ngân nhắn nhủ.