LCĐT – Cùng với sự phát triển của công nghệ số, các nền tảng mạng xã hội đã trở thành công cụ hữu ích, kết nối người dùng mọi lúc, mọi nơi. Tận dụng tính năng này, nhiều cửa hàng kinh doanh đang sử dụng hình thức livestream (phát trực tiếp) để bán hàng trên facebook, tiktok hay instagram…
Đứng trước chiếc điện thoại trong cửa hàng Phương Boutique trên đường Hoàng Liên (thành phố Lào Cai), chị Từ Phương Phương (32 tuổi, chủ shop thời trang) livestream giới thiệu sản phẩm của mình: “Mọi người ơi, mọi người ơi! Bên shop em có rất nhiều áo gió, áo khoác dạ, áo len cực đẹp, giá rẻ vừa mới về rất nhiều”. Hình thức livestream bán hàng giúp người mua thấy sản phẩm chân thực hơn. Lượng khách hàng đặt mua sản phẩm của shop tăng lên rất nhiều so với bán hàng đăng tải bằng hình ảnh – chị Phương chia sẻ.
Giống như chị Từ Phương Phương, Nguyễn Trần Tuấn Tú, 27 tuổi, chủ cửa hàng đồng hồ, kính mắt trên phố Cốc Lếu (thành phố Lào Cai) cũng kiêm luôn nghề livestream để bán được nhiều hàng hơn. Trước đây, Tú chỉ tập trung quảng bá cửa hàng của mình bằng những bài viết trên trang mạng xã hội. Tuy nhiên, sau đợt dịch Covid-19, Tú đã quyết định livestream để bán hàng. “Thời gian đầu, tôi phải tự xây dựng kịch bản, chọn sản phẩm, quay hình. Tôi luôn cố gắng học hỏi từ kênh của những người nổi tiếng để trau dồi và làm mới bản thân” – Tú kể và cho biết từ khi livestream, doanh thu của cửa hàng tăng thêm 30 – 40 triệu đồng/tháng.
Hiện nay, quần áo, mỹ phẩm là những mặt hàng được nhiều người lựa chọn livestream bán hàng nhất. Nhiều cửa hàng, chuỗi cửa hàng cũng đang áp dụng bán hàng qua hình thức livetream như Yody Lào Cai, Tokyo Life Lào Cai… Bên cạnh đó, các salon tóc, studio, viện thẩm mỹ, spa… cũng sử dụng livestream như một cách quảng bá sản phẩm, tay nghề của mình.
Không chỉ livestream một cách tự phát, “có gì chia sẻ đó” hay “có gì bán nấy”, các buổi livestream còn được chuẩn bị khá công phu để đạt được hiệu quả cao nhất, như lượng người xem, người tiếp cận, lượng chia sẻ, số lượng hàng chốt đơn trên livestream…
Với mạng xã hội facebook, các khung giờ từ 6 – 8 giờ, 11 – 12 giờ, 19 – 21 giờ và 22 – 0 giờ là những khung giờ livestream bán hàng hoạt động mạnh nhất. Hầu hết shop quần áo, mỹ phẩm đều tận dụng những khung giờ “vàng” này để livestream nhằm thu hút người xem và gia tăng lượng khách hàng chốt đơn.
Một buổi livestream được coi là thành công khi có nhiều người xem và nhiều khách hàng chốt đơn. Chính vì thế, bản thân người livestream chuẩn bị từ dụng cụ như điện thoại phải chất lượng, có camera tốt, đến nội dung livestream… Ngoài ra, người livestream cần phải biết cách trò chuyện để thu hút người xem, có nguồn năng lượng tích cực để mang đến một livestream vui vẻ và bùng nổ. “Thời gian đầu, tôi không biết nói gì và cũng ngại vì chưa livestream bao giờ. Tuy nhiên, mỗi ngày tôi tập nói chuyện một mình, về sau thấy bản thân mạnh dạn hơn. Tôi còn học hỏi từ các anh chị có kinh nghiệm livestream bán hàng. Mỗi lần lên sóng, tôi tập trung vào giới thiệu sản phẩm, tư vấn cho người xem” – anh Tú chia sẻ thêm.
Chủ shop thời trang Phương Boutique Từ Phương Phương cũng cho rằng: Quan trọng nhất là luôn phải tỏa ra năng lượng vui tươi, quan tâm đến người xem bằng cách phản hồi và tương tác những bình luận của họ…
Livestream bán hàng không chỉ là phương án kích cầu tiêu dùng, mà còn đánh trúng tâm lý muốn mua sắm tiện lợi của người tiêu dùng trong thời buổi công nghệ số. Tuy nhiên, hiện có không ít người lợi dụng tính năng livestream để câu like, lừa đảo. Vì thế, để tránh hàng hóa không đảm bảo, người tiêu dùng nên cẩn trọng, tìm địa chỉ mua hàng uy tín để chốt đơn.
Báo Lào Cai