Nữ đạo diễn trẻ Hà Lệ Diễm dáng nhỏ nhắn, nom có phần rụt rè, yếu đuối nhưng sự kiên định ngự trị nơi cô khiến người ta phải thán phục. Một mình đeo đuổi nhân vật ở vùng cao xa xôi làm Những đứa trẻ trong sương, chưa bao giờ Diễm mơ về giải thưởng quốc tế, đặc biệt là lọt Top 15 đề cử Phim tài liệu dài xuất sắc ở giải Oscar 2023.
Bộ phim đặc biệt
Tiếng vang của phim tài liệu Những đứa trẻ trong sương phút chốc đưa Hà Lệ Diễm vào hàng ngũ những nhà làm phim Việt chinh phục thế giới. Diễm và bộ phim tài liệu dài đầu tay chạm tới nhiều giải thưởng quốc tế, nối dài từ khu vực Đông Nam Á, sang châu Âu và đỉnh cao là lọt Top 15 đề cử Phim tài liệu dài xuất sắc tại giải thưởng Oscar 2023. Diễm từng giành giải thưởng Cánh diều bạc (2013) với phim tài liệu ngắn gần 30 phút Con đi trường đời.
“Những giải thưởng quốc tế xa vời ấy, ban đầu tôi không bao giờ nghĩ đến. Tôi chỉ muốn làm bộ phim, kể được câu chuyện mình ấp ủ. Giải thưởng chưa bao giờ nằm trong mục tiêu làm phim của tôi”, Diễm nói.
Chưa ra mắt tại quê nhà nhưng Những đứa trẻ trong sương chu du ở nhiều quốc gia, đem câu chuyện đậm đà bản sắc Việt lan tỏa ra thế giới. Phim kể về hành trình trưởng thành của Di. Cô bé người Mông ở Sa Pa (Lào Cai) là nhân vật điển hình cho sự va chạm, xung đột giữa những giá trị văn hóa truyền thống với hiện đại. Di mơ ước được đi học, nhưng cô bé sinh ra ở nơi giữ phong tục kéo vợ, với những nếp nghĩ và tục lệ có phần không còn phù hợp trong đời sống đương đại. Đó là lý do khiến tuổi thơ của những đứa trẻ ấy sớm chấm dứt.
Để có được gần 100 phút phim dựng trên màn ảnh, Diễm bỏ ra gần 4 năm theo chân nhân vật, cùng sinh hoạt với gia đình Di. Khoảng 100 giờ quay tư liệu đó được chắt chiu thành những thước phim tài liệu chân thực, lay động. Diễm được đánh giá cao bởi cô biết cân bằng cảm xúc cá nhân, không phán xét, đưa ra cái nhìn đa chiều.
Dấn thân vào con đường làm phim độc lập nghĩa là chấp nhận tự lo từng đồng kinh phí làm phim. Với cô gái người Tày từ Bắc Kạn xuống Hà Nội càng không dễ dàng. Tốt nghiệp ngành báo chí năm 2013, sau này cô từ bỏ làm báo, truyền hình để theo đuổi nghiệp làm phim vì sự thôi thúc từ bên trong: kể những câu chuyện cô đã nghe, đã thấy bằng ngôn ngữ điện ảnh. Cứ dành dụm được ít tiền, sắp xếp thời gian và công việc, Diễm lại khăn gói lên vùng cao ghi hình.
Hành trình chưa khép lại
Trước khi đến với Oscar 2023, Diễm từng vỡ òa hạnh phúc nhận giải Đạo diễn xuất sắc hạng mục Tranh giải quốc tế và giải đặc biệt của BGK dành cho phim đầu tay tại LHP tài liệu quốc tế Amsterdam 2021 (LHP tài liệu lớn nhất thế giới), giải Phim tài liệu Đông Nam Á xuất sắc tại LHP Balimakarya (Indonesia), Giải thưởng Lớn tại LHP Giáo dục của Pháp.
Diễm kể rằng, khi chiếu Những đứa trẻ trong sương ở nhiều nơi như Mỹ, Úc, Trung Quốc, Hàn Quốc…, phần lớn khán giả yêu thích và đồng điệu với đạo diễn. “Nhiều khán giả ở Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Úc… thích bộ phim vì đề cập giai đoạn vị thành niên với những mâu thuẫn với cha mẹ, chuyện trường lớp. Khán giả ở Trung Quốc, Hàn Quốc cũng có cảm nhận rõ rệt về tuổi thơ qua đi rất nhanh. Tuổi thơ và sự biến mất của nó chính là điều mà tôi muốn kể. Khán giả lớn tuổi hơn có thể cảm nhận khác. Mỗi người đều tìm được mảnh ghép riêng của mình”, nữ đạo diễn sinh năm 1991 kể.
Hành trình của Những đứa trẻ trong sương chưa khép lại, bởi Diễm và ê-kíp sản xuất đang tìm cơ hội để công chiếu phim ở rạp cho khán giả Việt. Phim truyện điện ảnh Việt ra rạp đã khó, phim tài liệu càng không dễ.
Trong chuyến đi châu Âu quảng bá Những đứa trẻ trong sương, Diễm có nguy cơ bị kẹt lại do dịch bệnh. Nhiều người sẵn sàng tạo điều kiện cho cô ở lại học nhưng Diễm muốn nhanh chóng về nước. Người ta mong xuất ngoại không được, Diễm chỉ mong được về nhà, được rong ruổi các vùng miền để gặp gỡ, ghi chép những câu chuyện và kể lại bằng phim.
Sưu tầm