Đoàn viên Giàng Thị Ly khởi nghiệp bằng mô hình homestay
Từ Tỉnh lộ 152, ngược con dốc nhỏ, homestay nhỏ xinh của đoàn viên Giàng Thị Ly hiện ra trước mắt, xung quanh là những rặng tre xanh mướt. Trong trang phục dân tộc Mông truyền thống, Giàng Thị Ly nở nụ cười nồng hậu, thân thiện chào đón chúng tôi cả bằng câu tiếng Anh trôi chảy: “Hello! Welcome to my homestay!” (Chào mừng bạn đã tới thăm cơ sở lưu trú của tôi). Ấn tượng đầu tiên của tôi về Ly đó là cô gái có tác phong nhanh nhẹn, gương mặt sáng, thoạt nhìn đã thấy toát lên vẻ thông minh. Sau khi hướng dẫn tôi nhận phòng, chị Ly hồ hởi kể: Tôi có ý tưởng về homestay này từ lâu nhưng đến năm 2018 mới bắt tay vào làm. Tuy nhiên, ngoài số vốn vợ chồng tích góp từ trước, tôi vẫn phải vay ngân hàng thêm 150 triệu đồng để hoàn thành giai đoạn xây dựng ban đầu. Homestay H’mong Sister house được thiết kế đơn giản với hình dáng nhà sàn 2 tầng. Tầng 1 là sảnh đón khách, khu ăn uống và sinh hoạt chung; tầng 2 là các phòng nghỉ, có sức chứa hơn 30 khách. Trang trí nội, ngoại thất rất đơn giản, chị Ly sử dụng nguyên liệu sẵn có tại địa phương như tre, gỗ, đá và các đồ dùng truyền thống của đồng bào Mông. Theo chị Ly, do nằm xa đô thị nên làm homestay phải tính toán sao cho vừa giữ được thiết kế mang dáng vẻ, sắc màu văn hóa của người địa phương, vừa đầy đủ tiện nghi để đón tiếp cả những du khách khó tính, yêu cầu cao. Điều đặc biệt là toàn bộ căn nhà do chị Ly tự thiết kế với số tiền đầu tư cho giai đoạn 1 khoảng 700 triệu đồng.
Giàng Thị Ly trò chuyện với du khách về các sản phẩm du lịch ở Sa Pa
Thời gian đầu vắng khách, chị Ly kết hợp với một bạn hiểu biết về các trang web đặt phòng để quảng cáo và rao bán phòng. “Tôi nhờ bạn đăng ký bán phòng trên Agoda, Booking và Airbnb. Nhờ đó, nhiều du khách biết đến homestay và lượng đặt phòng ngày càng đông, ổn định hơn” – chị Ly cho biết. Tháng 6/2018, homestay H’mong Sister house bắt đầu đi vào hoạt động, đón đoàn khách đầu tiên là một gia đình người nước ngoài đặt qua Booking. Đến năm 2019, số lượng khách tăng, nhiều du khách chọn lưu trú ở homestay thay vì khách sạn cũng nhiều hơn, chị Ly quyết định xây dựng thêm một căn nhà ngay bên cạnh với loạt phòng ở rộng rãi, thoáng đãng. Đến nay, chị Ly có 17 phòng đón khách với giá phòng từ 90 đến 240 nghìn đồng/ngày. Homestay của chị Ly còn thường xuyên cung cấp các dịch vụ như trekking, nhà hàng, thuê xe máy, taxi… sau khi trừ các chi phí, một tháng thu về 50 – 60 triệu đồng.
Không chỉ tăng thu nhập cho gia đình, Homestay của chị Ly còn tạo việc làm cho 8 lao động trong thôn, họ đều là những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Chị Ly cho biết, trong đó có 3 người làm phụ tại homestay và làm các công việc như dọn phòng, nấu ăn, phục vụ khách… với tiền công 5 triệu đồng/tháng. Còn 5 người thì phụ trách dẫn khách của homestay đi bộ đường dài khám phá thiên nhiên, kết hợp du lịch dã ngoại… và trả tiền công theo từng đoàn. “Những thời điểm đông khách, ngoài 5 người dẫn khách chính cho homestay, tôi còn liên hệ thêm một số chị trong thôn. Tuy nhiên, tiếng Anh của các chị hiện nay còn yếu, tôi mong tại thôn có lớp tiếng Anh để chị em có thể học hỏi thêm” – chị Ly cho biết thêm. Với tình yêu cũng như nhiệt huyết, khát vọng của mình, chị Ly đã và đang góp phần giới thiệu những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, quê hương mình tới du khách bốn phương, đưa Mường Hoa trở thành “thủ phủ” du lịch homestay của thị xã Sa Pa.