Những năm gần đây, thương mại dựa trên công nghệ số (thương mại số) đang phát triển nhanh chóng với ngày càng nhiều nền tảng số, mô hình kinh doanh mới, tạo động lực và không gian phát triển cho kinh tế số.
Trong bối cảnh đó, ngành bưu chính cũng chuyển mình trở thành nền tảng hậu cần quan trọng cho thương mại số, là công cụ để chuyển giao giá trị trên cả không gian vật lý lẫn không gian số, góp phần thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.
Theo báo cáo của Bộ Công thương, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam năm 2022 ước đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước. Với tốc độ tăng trưởng bình quân 20%/năm, Việt Nam được eMarketer xếp vào nhóm năm quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.
Mở ra cơ hội
Tại Việt Nam, thương mại điện tử cũng dần trở thành động lực quan trọng cho phát triển kinh tế cũng như dẫn dắt chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực. Tận dụng thế mạnh này, từ giữa năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Kế hoạch đã nhận được sự ủng hộ, phối hợp triển khai của các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, mở ra kênh tiêu thụ sản phẩm mới cho các hộ sản xuất nông nghiệp trên khắp cả nước.
Thí dụ, để đẩy nhanh việc phổ cập đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) đã hợp tác với Hội Nông dân Việt Nam. Chỉ sau sáu tháng năm 2022, hai đơn vị đã tiến hành đào tạo, trang bị kỹ năng chuyển đổi số cho gần 10 nghìn hộ sản xuất nông nghiệp với hơn 1.500 hội nghị trên toàn quốc theo cả hình thức trực tiếp lẫn trực tuyến; đồng thời, kết nối đưa hơn 108 nghìn sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử thuần Việt.
Bên cạnh đó, sàn thương mại điện tử Postmart của VNPost cũng đã tiêu thụ hơn 1.000 tấn nông sản, nhất là nông sản mùa vụ như: Vải thiều, nhãn lồng Hưng Yên; nhãn xuồng Đồng Tháp; na Chi Lăng; mận, xoài Sơn La; sầu riêng Đắk Lắk và nhiều loại nông sản, các sản phẩm chế biến từ nông sản khác.
Có thể thấy, sự phát triển của viễn thông băng rộng di động và công nghệ đã mở ra cơ hội cho nhà nông tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp thông qua thương mại điện tử, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn Việt Nam cũng như thu hẹp khoảng cách với khu vực đô thị. Người dân khu vực nông thôn có thể dễ dàng tiếp cận các giao dịch điện tử, không chỉ mua sắm mà còn tìm kiếm khách hàng, quảng bá sản phẩm cũng như kinh doanh hàng hóa trên sàn thương mại điện tử.
Không những vậy, các nền tảng số còn cung cấp thông tin hữu ích cho các hộ sản xuất nông nghiệp như thông tin thị trường nông sản, dự báo nhu cầu, thông tin thời tiết, mùa vụ,… từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể đang có cơ hội chuyển mình mạnh mẽ trong nền kinh tế số để tăng trưởng nhanh về quy mô.
Mô hình và giải pháp mới
Mặc dù thương mại điện tử đang mang lại nhiều cơ hội mới cho kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, nhưng thực tế vẫn còn khoảng cách về hạ tầng vật lý lẫn hạ tầng số giữa nông thôn và thành thị.
Cụ thể, các khu vực nông thôn chưa có hệ thống hạ tầng gom phát thống nhất, chuyên biệt phục vụ sản xuất nông nghiệp và thương mại điện tử. Việc bảo quản, thu gom, phân phối hàng hóa nông sản vẫn còn manh mún, thiếu tính kết nối gây lãng phí, chi phí logistics cao, không tối ưu được nguồn lực; hoạt động sản xuất của nhiều địa phương vẫn chưa liên kết chặt chẽ được với chuỗi cung ứng để đến tận tay người tiêu dùng;…
Theo các chuyên gia, ngành bưu chính với lợi thế về mạng lưới hạ tầng rộng khắp, gần gũi với các hộ gia đình và người dân có thể trở thành “bệ đỡ” cho thương mại điện tử, logistics cũng như các dịch vụ xã hội mới. Các doanh nghiệp bưu chính lớn như VNPost, Viettel Post,… thời gian qua đã có kinh nghiệm vận chuyển thành công nhiều mặt hàng nông sản, xây dựng được mô hình dịch vụ logistics chuyên biệt dành cho nông nghiệp đáp ứng nhu cầu lưu trữ, bảo quản, vận chuyển nông sản phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Ngoài ra, mạng lưới vận chuyển rộng khắp cả nước, phương tiện vận chuyển đa dạng, chuyên dụng, có thể kết nối đến tận xã, phường và thậm chí vươn ra thị trường nước ngoài, cùng đội ngũ nhân lực đông đảo của doanh nghiệp bưu chính sẽ trực tiếp hỗ trợ người nông dân mà không phải qua khâu trung gian, qua đó cung cấp sản phẩm bảo đảm giá cả, chất lượng đến tay người tiêu dùng.
Nhằm giải quyết tốt bài toán thương mại số ở nông thôn, Vụ trưởng Bưu chính (Bộ Thông tin và Truyền thông) Lã Hoàng Trung cho rằng, ngành bưu chính trong thời gian tới cần tập trung triển khai một số mô hình và giải pháp.
Theo đó, để xây dựng bức tranh tổng thể hạ tầng gom phát hàng hóa ở nông thôn, ngành cần tư duy lại về hạ tầng logistics chuyên biệt cho nông nghiệp, nhất là tính đến khâu bảo quản, lưu trữ, truy xuất nguồn gốc, quy trình vận chuyển, giao phát hàng hóa tới khách hàng. Các doanh nghiệp bưu chính chuyển phát có thể tận dụng hệ thống kho, điểm giao dịch để trở thành nơi thu gom, lưu trữ, phát hàng hóa. Khi một lượng lớn các hộ sản xuất nông nghiệp tiếp cận thương mại điện tử thì các bưu cục, điểm bưu điện văn hóa xã chính là những điểm giao dịch cho thương mại điện tử.
Kết quả thực tế của việc đẩy mạnh đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử không chỉ mang lại doanh thu, lợi ích kinh tế to lớn cho người nông dân, mà còn chứng minh hướng đi đúng đắn, tất yếu của giao dịch nông sản trên sàn thương mại điện tử trong kỷ nguyên công nghệ số.
Bên cạnh đó, thương mại số nông thôn cũng là cơ hội để ngành bưu chính chuyển mình, mở rộng phạm vi và khái niệm hoạt động. Ngoài ra, theo khảo sát, dù đã dần quen với việc mua hàng trên mạng, nhưng đa số người dân nông thôn vẫn thích ra chợ, mua sắm ở các cửa hàng tạp hóa. Chính vì vậy, mô hình chuỗi cửa hàng tiện lợi cũng mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp bưu chính thu hút phần lớn khách hàng tiềm năng tại các khu dân cư, thôn, xóm của địa phương.
Báo Nhân Dân