Hai sinh viên đã sử dụng nhụy hoa thanh long và lá sen làm ra trà thảo mộc hỗ trợ cải thiện giấc ngủ.
Hai sinh viên đó là Trương Hữu Duyên và Nguyễn Lê Hồng Uyên, cùng học năm thứ 4 ngành sinh học ứng dụng, Trường ĐH Cần Thơ.
Chia sẻ về dự án, Duyên cho biết, sau đại dịch Covid-19, nhiều chuyên gia dự đoán stress là một nỗi lo âu toàn cầu mà nhiều người phải đối mặt. Tuy nhiên, việc lạm dụng thuốc an thần gây ra quá nhiều tác dụng phụ, tốn kém và làm tăng nguy cơ lệ thuộc vào thuốc. Từ đó, Duyên và Uyên nảy sinh ý tưởng làm trà thảo mộc để hỗ trợ trị liệu.
Từ nguồn dược liệu quý là lá sen, nhụy hoa thanh long chưa được sử dụng phổ biến, hai sinh viên đã chế tạo thành công sản phẩm trà sen hồng ở dạng túi lọc vào cuối năm 2022. Ưu điểm sản phẩm là nguyên liệu được mua từ vùng trồng nguyên liệu theo tiêu chuẩn GlobalGAP; không hóa chất bảo quản, đảm bảo chất lượng; được kiểm định chất lượng, hoạt tính trên nhiều cấp độ, hiệu quả vượt trội, ít gây tác dụng phụ, cải thiện sức khỏe người sử dụng.
“Nguồn nguyên liệu được chúng tôi thu mua từ vùng trồng sen ở vùng Đồng Tháp Mười (Đồng Tháp), còn hoa thanh long mua ở tỉnh Long An. Hầu hết các vườn trồng đều canh tác theo hướng hữu cơ nên đảm bảo nguyên liệu sạch”, Duyên cho biết.
Quy trình sản xuất hoàn toàn xanh, không sử dụng hóa chất tạo mùi, tạo hương tổng hợp, đảm bảo sự tự nhiên của từng tách trà. Nhóm tự tin đem lại hiệu quả an thần vượt trội không gây tác dụng phụ, cải thiện rõ rệt sức khỏe người sử dụng.
Công đoạn làm trà trải qua nhiều bước gồm: nguyên liệu lá sen, nụ hoa thanh long được phối trộn với cỏ ngọt, lá cẩm, lá dứa đã cô đặc; sấy; đóng gói; kiểm nghiệm thành phẩm. “Trà từ nhụy hoa thanh long và lá sen có mùi thơm đặc trưng, vị ngọt thanh, dễ uống. Đây sẽ là nguồn nguyên liệu tiềm năng tạo nên loại trà hỗ trợ trị mất ngủ…”, Duyên phấn khởi nói.
Hiện sản phẩm đã được bán ra thị trường và nhận được tín hiệu tích cực từ khách hàng. Sản phẩm trà túi lọc được bán với giá 49.000 đồng/hộp 20 gói. Sắp tới, nhóm tiếp tục đưa ra sản phẩm trà ly đóng chai và trà hòa tan. Dự án sẽ góp phần giúp người nông dân trồng sen, thanh long tăng thêm thu nhập, tạo thêm giá trị mới từ những thứ tưởng chừng bỏ đi. Sản phẩm đã được kiểm tra đánh giá chất lượng tại Phòng Lý sinh hóa của Trường Nông nghiệp (Trường ĐH Cần Thơ).
Thạc sĩ Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn, hỗ trợ và khởi nghiệp sinh viên Trường ĐH Cần Thơ, đánh giá dự án của Duyên và Uyên rất thiết thực, bởi góp phần cải thiện giấc ngủ, phát triển các sản phẩm đã có ở địa phương lên mức cao hơn, đồng thời góp phần quảng bá sản phẩm của quê hương.
Nguồn: thanhnien.vn