Thời gian qua, đoàn viên, thanh niên thị xã Sa Pa luôn tích cực xây dựng và làm chủ các mô hình phát triển kinh tế.
Sinh ra và lớn lên ở thôn Hòa Sử Pán 1, xã Mường Hoa, anh Châu A Chang sớm ấp ủ ước mơ làm giàu trên mảnh đất quê hương. Khởi nghiệp và thành công với mô hình nuôi lợn thịt thương phẩm, từ năm 2010, anh đã có thu nhập khoảng 90 triệu đồng/năm. Không bằng lòng với mức thu nhập đó, anh tiếp tục học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật để mở xưởng sản xuất gạch bê tông cung cấp cho người dân trong vùng. Đến năm 2016, khi việc nuôi lợn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi, anh Chang quyết định chuyển dần sang cung cấp vật liệu.
Năm 2018, anh Châu A Chang mạnh dạn thế chấp nhà ở, tài sản vay ngân hàng và anh em hàng trăm triệu đồng mua xe tải, máy xúc, nhận thi công các công trình xây dựng, san gạt mặt bằng. Công việc thuận lợi, sau 3 năm, anh trả hết nợ và tích cóp được một số vốn. Năm 2020, mặc dù dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến lĩnh vực du lịch nhưng anh cùng vợ vẫn quyết định đầu tư 1 tỷ đồng xây dựng homestay chờ ngày đón khách du lịch. Vừa xây dựng homestay, anh vừa duy trì chạy xe vận tải, cung cấp vật liệu, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương với mức thu nhập trung bình 6 – 7 triệu đồng/người/tháng. Anh Châu A Chang cho biết: Với tiềm năng về thiên nhiên và bản sắc văn hóa của xã Mường Hoa, chắc chắn mô hình homestay sẽ hiệu quả khi du lịch phục hồi. Ngoài các phòng nghỉ cộng đồng, tôi cũng đầu tư thêm một số bungalow phục vụ nhu cầu của du khách. Tôi không sợ khó, sợ khổ, dám chấp nhận rủi ro để xây dựng mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, vừa nâng cao thu nhập cho gia đình, vừa giúp đoàn viên có việc làm ổn định.
Mô hình nuôi gà đen bản địa của anh Hạng A Chở bước đầu chứng minh hiệu quả. |
Anh Sùng A Sở, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Mường Hoa đánh giá: Châu A Chang là gương điển hình trong phong trào “Thanh niên làm chủ đất nước”. Đó là đoàn viên có tư duy nhạy bén trong phát triển kinh tế và tích cực tham gia các chương trình tình nguyện do Đoàn Thanh niên xã phát động.
Mặc dù là phường thuộc thị xã Sa Pa, nhưng Phan Si Păng vẫn có phần lớn diện tích và một lượng không nhỏ người dân làm nông nghiệp. Nắm tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, thanh niên năm 2021, Đoàn Thanh niên phường Phan Si Păng đã triển khai một số mô hình phát triển kinh tế do thanh niên làm chủ, như nuôi gà đen bản địa, trồng ớt… góp phần tăng thu nhập cho đoàn viên, thanh niên.
Từ tháng 5/2021, đoàn viên Hạng A Chở, tổ 1 được Đoàn Thanh niên phường kết nối với cơ sở cung cấp giống, chuyển giao, hướng dẫn kỹ thuật phát triển mô hình nuôi gà đen bản địa theo hướng hàng hóa. Anh Chở đã đầu tư làm chuồng, quây lưới khu ruộng rộng hơn 3.000 m2 của gia đình làm khu vực chăn nuôi. Sau đó, anh mua hơn 250 con gà giống về thả. Do nắm vững kỹ thuật chăm sóc, đàn gà sinh trưởng tốt. Sau 6 tháng nuôi, gà thịt đạt trọng lượng trung bình 1,5 – 2 kg/con. Nhờ sự kết nối thị trường tiêu thụ của Đoàn Thanh niên phường và đoàn viên, thanh niên thị xã, anh Chở đã bán được hơn 100 con gà, với giá trung bình 150 – 160 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, anh thu lợi hơn 10 triệu đồng.
Anh Hạng A Chở cho biết: Mô hình nuôi gà khá phù hợp với điều kiện tại địa phương. Việc chăm sóc gà cũng không mất nhiều thời gian. Sắp tới, tôi sẽ mở rộng mô hình nuôi gà, kết hợp nuôi vịt, trồng ớt và rau, màu.
Mô hình của Châu A Chang và Hạng A Chở chỉ là 2 trong hàng chục mô hình phát triển kinh tế do thanh niên làm chủ có hiệu quả trên địa bàn thị xã Sa Pa. Theo thống kê của Thị đoàn Sa Pa, trên địa bàn hiện có 43 mô hình phát triển kinh tế do thanh niên làm chủ, có thu nhập từ vài chục triệu đồng/năm trở lên. Tại các xã, phường thuộc thị xã cũng có 4 hợp tác xã sản xuất, kinh doanh hiệu quả do thanh niên làm chủ, đó là Hợp tác xã Mường Bo Xanh (xã Mường Bo); Hợp tác xã Hoàng Liên (xã Tả Van); Hợp tác xã Rau, quả Thắng Lợi (phường Hàm Rồng) và Hợp tác xã Du lịch nông nghiệp xanh (xã Liên Minh).
Anh Trần Thanh Tú, Phó Bí thư Thị đoàn Sa Pa cho biết: Bên cạnh việc khích lệ đoàn viên, thanh niên tích cực tham gia lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, Thị đoàn Sa Pa đã triển khai hiệu quả chương trình “Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp”, qua đó hỗ trợ, phát triển và nhân rộng các mô hình (chăn nuôi, trồng cây dược liệu, nuôi ong mật…) giúp đoàn viên, thanh niên tăng thu nhập. Từ các mô hình ban đầu, đến nay đã hình thành nhiều tổ, nhóm thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế. Thị đoàn Sa Pa sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học – kỹ thuật, cây, con giống để đoàn viên, thanh niên có thêm động lực phát triển kinh tế.
TH- Đức Phương