16/01/2023
Từ Đường ngược chiều đến sứ giả văn hóa
Lượt xem: 195
Quyết tâm đi “ngược chiều” với cái nghèo, vất vả, khốn khó, “ngược” những suy nghĩ, quan niệm lạc hậu của hàng xóm và bà con, Chảo Yến đã trở thành người Dao đầu tiên giành được học bổng danh giá của Liên minh châu Âu – Erasmus Mundus…
3 năm ấy, Yến phải ở nhà lên nương, hái rau rừng, măng rừng bán để phụ giúp bố mẹ. Niềm khao khát đến trường vẫn luôn cháy bỏng trong cô gái nhỏ bé. Hằng ngày, Yến tha thẩn thả trâu gần trường học lén nghe thầy cô giảng bài. Thầy hiệu trưởng biết Yến ham học nên đã thuyết phục bố mẹ cho Yến quay trở lại trường.
Được quay trở lại trường học sau 3 năm gián đoạn, khó khăn Yến phải đối mặt không phải là kiến thức dang dở mà là cảm giác tội lỗi khi họ hàng, người thân coi Yến là đứa con bất hiếu, không thương bố mẹ nghèo khó. “Những quan điểm, suy nghĩ cổ hủ ấy dường như đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân và “giết chết” khát khao học tập của lớp lớp trẻ thơ trong thôn, tạo ra con đường ngược chiều cheo leo, gian khó, đòi hỏi ai có quyết tâm thực sự mới có thể vượt qua” – Yến thở dài.
Thấm thía nỗi nhọc nhằn của cha mẹ, Yến càng quyết tâm học thật tốt. Học xong THPT, Yến thi đỗ vào Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam, trở thành 1 trong 2 người đầu tiên của xã đi học đại học. Như một kỳ tích, năm 2018, Yến may mắn giành được học bổng của Liên minh châu Âu – Erasmus Mundus trị giá 50.000 USD, đào tạo Thạc sỹ ngành Quản lý tài nguyên rừng bền vững của Trường Đại học Gottingen (Đức) và Trường Đại học Padova (Italia).
Đúng như tên gọi của cuốn sách, Đường ngược chiều – từ bản người Dao đến học bổng Erasmus là câu chuyện của Chảo Yến về chặng đường thực hiện giấc mơ du học. Cuốn sách vừa là thông điệp về tinh thần vượt lên trên hoàn cảnh, vừa là thiên hồi ký dào dạt cảm xúc. Cuốn sách được viết bằng giọng điệu kể chuyện dí dỏm, đáng yêu của một cô bé tuổi mới lớn. Trong đó là những câu chuyện về lễ khai trường đầu tiên, về chuyến đi chợ huyện, về cảnh tranh giành mót mía với bầy lợn, về cậu bạn tên Hộp, về hình ảnh người bố trong buổi lễ tri ân trưởng thành của con gái… Đặc biệt, trong truyện kể của Chảo Yến hiện lên sinh động những người đã đồng hành với cô trên hành trình “ngược chiều” đi tới ước mơ. Đó là những người thầy ở cấp THPT và đại học, anh chị em trong gia đình và trên hết là mẹ cô. “Cuộc đời mẹ từ bé đã vất vả, 8 tuổi mẹ đã phải đi làm thuê cùng bà ngoại để mua thuốc phiện cho ông ngoại. Sau ông ngoại mất, mẹ lại phụ bà ngoại nuôi các cậu, các dì. Mẹ cũng rất muốn được đi học, đến lúc lấy bố con mới được ông nội dạy để biết đọc báo. Mẹ mà được đi học mẹ chắc chắn cũng học giỏi như con, nhưng đời mẹ coi như bây giờ chỉ có các con thôi. Nên con hãy nhớ những gì mẹ kể, những gì người ta đối xử với bố, với mẹ, với nhà mình, để cố gắng học. Con tuyệt đối không được thất bại, con phải cho mọi người thấy con đường mình đi là đúng” (trang 229).
Là người dân tộc Dao tuyển, sinh ra và lớn lên cùng với rừng núi, bản làng nên những trang viết của Chảo Yến càng thêm chân thực, sinh động. Cô tỉ mẩn miêu tả những bộ trang phục truyền thống bắt mắt, tường thuật những buổi chợ phiên nhộn nhịp, đặc sắc, hoặc sẵn sàng phô bày cả những hủ tục, những hạn chế trong nhận thức và hiểu biết của nhiều người dân nơi cô ở.Khép lại cuốn tự truyện của mình, Chảo Yến viết: “Tôi không dám nói tôi là người thành công, nhưng với tôi, nụ cười tít mắt của bố mẹ khoe khắp nơi rằng “Con gái tôi sắp đi Đức học thạc sỹ”, nụ cười của thầy Lee, thầy Dũng khi nói “Congratulations! Well done, I’m proud of you”, hay chỉ đơn giản là quyết tâm đi học của một vài em nhỏ ở trường cấp hai trên bản, đó chính là sự thành công. Thành công còn là cả khi tôi dám thoát khỏi lớp vỏ bọc, dám mơ ước được bay cao, bay xa như bao người. Hay đúng hơn, tôi vốn đã thành công ngay từ giây phút tạo hóa cho tôi được làm con của bố mẹ. Dù có nghèo, có vất vả, nhưng chính hoàn cảnh đó đã tôi luyện tôi thành một người kiên cường” (trang 276).
Tự truyện của Chảo Yến kết thúc ở khoảnh khắc cô chuẩn bị rời Việt Nam sang một vùng đất mới. “Chỉ cần tôi bước lên máy bay, con đường tôi đi sẽ không còn là ĐƯỜNG NGƯỢC CHIỀU nữa, mà đó là BẦU TRỜI”.
Trở về nước sau quãng thời gian du học, Yến từng công tác tại Trung tâm Con người và Thiên nhiên (thành viên của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) với những dự án giúp ích cho các vùng khó khăn. Tháng 7/2021, Yến thành lập trang TikTok cá nhân kể câu chuyện về quá trình du học của mình cùng hàng loạt nội dung quảng bá văn hóa dân tộc thiểu số.
Không quá cầu kỳ, Yến chọn cách khai thác giản dị để mỗi clip toát lên tối đa chất mộc mạc, đúng với phong cách của người Dao. Luôn biết cách truyền đến người xem nhiều “vitamin tích cực” bằng chính nụ cười thường trực trên môi, những video của Yến luôn sinh động, tràn đầy sức sống. Yến chia sẻ: Tôi cùng người em họ quay video, đạo diễn, lên kịch bản, tự cắt dựng, chỉnh sửa rồi đăng lên mạng xã hội. Bên cạnh những video chia sẻ kinh nghiệm học tiếng Anh, du học, tôi muốn giới thiệu văn hóa miền núi, cụ thể là văn hóa người Dao tuyển.
Những video ngắn, hài hước chia sẻ nhiều nét văn hóa đặc sắc của người Dao tuyển như lá tắm người Dao, hành trình kiếm mật ong khoái rừng, cách người Dao giải rượu, sự kỳ diệu của sắn dây rừng… đã “biến” Chảo Yến trở thành hot Tiktoker sở hữu lượng theo dõi “khủng”, những video triệu view. Đến nay, kênh TikTok của Yến có hơn 270.000 người theo dõi và hơn 5,6 triệu người yêu thích.
Yến còn là chủ một homestay mang tên Goong (theo tiếng dân tộc Dao tuyển “goong” có nghĩa là tốt đẹp, xinh đẹp, làm tốt). Với mong muốn quảng bá hình ảnh dân tộc mình đến với người dân cả nước và du khách quốc tế, Chảo Yến đã không ngừng cố gắng để hiện thực hóa những dự định của mình, trở thành một “cây cầu nhỏ” góp phần đưa văn hóa dân tộc Dao tuyển lan tỏa và được nhiều người biết đến hơn, đồng thời bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình.