Cũng như Việt Nam, việc chăn nuôi gia súc, gia cầm, cấy trồng là công việc chính trong các gia đình sống tại khu vực nông thôn, miền núi của đất nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tươi đẹp. Tuy nhiên, hằng năm vẫn có hàng trăm du học sinh Lào vượt hàng nghìn cây số đến Việt Nam học ngành nông – lâm, riêng tỉnh Lào Cai hiện có hơn 10 sinh viên theo học Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai.
Các bạn sinh viên Lào và sinh viên Việt Nam tham quan mô hình trồng rau thủy canh. |
Buổi sáng, trên giảng đường, sinh viên được tiếp cận kiến thức về nguồn gốc, đặc tính sinh học, khả năng thích nghi trong các điều kiện tự nhiên khác nhau, chế độ dinh dưỡng của giống vịt Sín Chéng (Si Ma Cai)… buổi chiều cả lớp thực tế tại khu thực nghiệm của phân hiệu. Hơn 200 con vịt Sín Chéng được nuôi nhốt trong 2 chuồng xây dựng kiên cố với thảm trấu lót sàn, phòng thông với bể tắm và sân chơi cho vịt. Trong một chuồng nuôi nhốt vịt, giảng viên Nguyễn Thị Út, phụ trách bộ môn chăn nuôi đang cầm con vịt trưởng thành trên tay và giảng giải cho nhóm sinh viên về giống vịt Sín Chéng nói riêng và thủy cầm nói chung. Bài giảng say sưa khiến các trò tập trung tới mức những vị khách là chúng tôi đứng chờ ở cửa chuồng cũng không hay biết. Nhóm sinh viên có 4 người, trong đó có 1 sinh viên Việt Nam và 3 du học sinh người Lào: Somchay Sauthichan, Kanha Monvinay và Phimmasone Sonethavy.
Tranh thủ lúc các bạn và cô giáo tới thu thập thông tin tại mô hình thực nghiệm vịt mới nở, tôi trò chuyện riêng với Somchay Sauthichan, nữ sinh viên 22 tuổi đến từ tỉnh Luông Pha Băng (Louangphabang). Nữ sinh có dáng người thấp bé nhưng rõ nét thông minh, hoạt bát, nhanh nhẹn, em nói tiếng Việt sõi thậm chí hơn cả mấy bạn sinh viên đến từ vùng cao Lào Cai. Ở quê nhà, Somchay học phổ thông tại Trường hữu nghị Lào – Việt của tỉnh Luông Pha Băng, đạt thành tích học tập xuất sắc nên em trong danh sách được cử đi du học, sẵn có tình yêu với đất nước Việt Nam và em đã chọn đây là quốc gia theo học. Khởi đầu, Somchay vào Trường hữu nghị Việt – Lào (Hữu nghị 80) thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội học 1 năm dự bị đại học, chủ yếu là học tiếng Việt và tìm hiểu thêm về văn hóa, đất nước, con người Việt Nam. Hết 1 năm dự bị đại học, Somchay được ưu tiên lựa chọn tùy thích một số ngành học và nhiều trường đại học, trong đó có trường thuộc hạng đầu bảng tại Việt Nam nhưng Somchay đã chọn theo cách riêng của mình, đó là Đại học Thái Nguyên và tự nguyện theo học tại Phân hiệu tại Lào Cai. Somchay bảo, những năm học tại thị xã Sơn Tây đã tìm hiểu về các trường đại học tại Việt Nam, trong đó em quan tâm đặc biệt tới Đại học Thái Nguyên, nhất là Phân hiệu Lào Cai, nơi có nhiều con em đồng bào dân tộc thiểu số theo học.
Giảng viên Nguyễn Thị Út và các bạn sinh viên Lào trong một giờ học về vịt Sín Chéng. |
Luông Pha Băng là tỉnh thượng Lào cũng nằm ở phía Bắc, có nhiều thành phần dân tộc thiểu số nên Somchay nghĩ ngay tới những nét tương đồng về mặt địa lý, văn hóa với các tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc của Việt Nam. Ở quê nhà Luông Pha Băng, gia đình Somchay cư ngụ vùng nông thôn, có nhiều đời mưu sinh bằng chăn nuôi, gia đình em đang nuôi hơn chục con trâu, nuôi nhiều lợn, ngan, gà nhưng chủ yếu là dựa vào điều kiện tự nhiên nên thả rông. Hình thức chăn nuôi này cho năng suất, hiệu quả kinh tế thấp, rủi ro từ dịch bệnh cao. Khi học tập tại Việt Nam, Somchay hiểu ra rằng khoa học kỹ thuật tân tiến mới là yếu tố quyết định tới thành công, chính vì vậy mà Somchay quyết tâm theo học chuyên ngành chăn nuôi. Mới đây, Somchay và các bạn trong lớp được nhà trường cho đi thực tế một số trang trại chăn nuôi ở huyện Bảo Thắng, lần đầu tiên tận mắt chứng kiến cơ sở chăn nuôi có quy mô cả chục nghìn con gà, hàng nghìn con lợn nên em ấn tượng lắm. Somchay bảo, không ngờ con lợn màu trắng, con vịt cổ xanh (vịt Sín Chéng), con gà màu nâu lại có năng suất cao như thế. Dự định của em là sau này trở về Luông Pha Băng sẽ mở một trang trại chăn nuôi gà hoặc chăn nuôi lợn theo quy mô trang trại và nhập giống từ Việt Nam, cùng với đó là mở một cửa hàng bán thuốc thú y cũng nhập thuốc từ đất nước em du học.
Cách khu thực nghiệm chăn nuôi không xa, một nhóm sinh viên là các bạn đến từ các huyện vùng cao Lào Cai và du học sinh Lào đang được Tiến sĩ Lê Thị Minh Thảo, Trưởng khoa Nông – Lâm, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc rau xanh bằng hình thức thủy canh. Với Muayaseng Kongchai đến từ tỉnh A Tô Pư thì không chỉ xà lách thủy canh mà việc tiếp cận với kỹ thuật trồng, chăm sóc cà chua leo giàn, dưa lê trồng trong nhà lưới, hoa lan tách mô, hoa hồng chiết, cây ăn quả ghép mắt… đều rất mới lạ. Nữ Tiến sĩ Minh Thảo bảo, hầu hết các bạn du học sinh Lào theo học tại Phân hiệu thường chọn ngành học chăn nuôi, trồng trọt hoặc quản lý tài nguyên (3 chuyên ngành của Khoa Nông – Lâm). Các em đều là những học sinh ưu tú được cử đi du học nên có nhận thức khá và tốt, điểm chung của các du học sinh đến từ nước bạn Lào là đều mong muốn tiếp nhận nhiều kiến thức mới, tiếp cận khoa học hiện đại để trở về phát triển ở quê hương trong tương lai.
Có rất nhiều phương pháp trồng trọt, kiến thức chăn nuôi hiện đại mà sinh viên Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai được tiếp cận, điều đó thực sự có ý nghĩa lớn với sinh viên đến từ đất nước Lào anh em.
Nguồn: Baolaocai.vn