Từng là giảng viên ĐH Hà Nội, nhưng được hơn một năm “tự thấy công việc này không phù hợp với sở thích “xê dịch” của mình”, Thảo xin nghỉ việc sang Nhật học và đi làm phiên dịch. Sau đó, sang Úc học ngành thiết kế thời trang.
“Trong thời gian sống và làm việc ở hai đất nước này, tôi gặp rất nhiều người vô gia cư. Tuy nhiên, cuộc sống của họ khác hẳn với người vô gia cư Việt Nam.
Họ được Hội Chữ thập đỏ xây dựng cho chuỗi cửa hàng, bán tất cả nhu yếu phẩm hàng ngày với giá cực rẻ hoặc phát miễn phí. Ngoài ra, họ được khám, chăm sóc sức khỏe định kỳ” – Thảo tâm sự.
Từ đó, Thảo nuôi ước mơ khi trở về Việt Nam sẽ làm được việc gì đó ý nghĩa cho người vô gia cư. Năm 2011, trở về nước, Thảo thành lập chuỗi cửa hàng bánh và quán cà phê, đồng thời thành lập nhóm tình nguyện Ấm, với các hoạt động chính là hướng đến người vô gia cư.
Thảo đi khắp ngõ ngách, phố phường Hà Nội tìm hiểu về cuộc sống của người vô gia cư rồi quay clip đưa lên fanpage của nhóm. Đồng thời, mỗi dịp tổ chức chương trình, hay gói bánh chưng có nhiều người trẻ tham gia, Thảo mở các clip đó cho bạn trẻ xem.
“Khi xem các clip này, bạn trẻ sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn, hiểu hơn và đồng cảm hơn với những kiếp người dường như bị xã hội lãng quên ấy. Những cảm xúc đó sẽ thôi thúc bạn trẻ hành động” – Thảo chia sẻ.
Tết 2012, với mong muốn có được ngôi nhà cho người vô gia cư Hà Nội về ở đón Tết, sinh hoạt và khám chữa bệnh, Thảo lùng sục khắp nơi để thuê địa điểm, nhưng đi đến đâu Thảo cũng đều bị từ chối.
Bởi việc này không hề đơn giản, liên quan đến bảo đảm an ninh trật tự, quản lý… mà Thảo còn quá trẻ, lại không đủ thẩm quyền. Không thể xây dựng được ngôi nhà chung cho người vô gia cư, Thảo chọn giải pháp đến tận nơi ở của họ ở gầm cầu, vỉa hè… để sẻ chia.
Chương trình diễn ra đều đặn suốt 2 năm nay, vào tối thứ Bảy hằng tuần, bắt đầu từ 9 giờ tối đến 3 – 4 giờ sáng hôm sau. Các bạn trẻ mang theo xôi, bánh, giày dép, quần áo, thuốc… tặng cho người vô gia cư.
“Việc tặng quà, nói chuyện với người vô gia cư, chúng tôi tự xây dựng một quy tắc riêng, các thành viên phải tuân thủ, đó là: Không được ồn ào, tặng quà bằng hai tay, khi nói chuyện phải ngồi xuống, không được đứng cao hơn người ta, hỏi thăm xem tuần vừa rồi họ sống thế nào, tuần này họ cần mình giúp những gì” – Thảo chia sẻ.
Thảo cho rằng, làm như thế để tạo sự gần gũi, thân thiện, ấm áp cho người vô gia cư, họ sẽ thấy mình được quan tâm, tôn trọng. Với nhiều người vô gia cư Hà Nội, Hoàng Thảo và các thành viên nhóm tình nguyện Ấm trở thành niềm vui, nguồn động viên lớn lao của họ. Khi chúng tôi đến đã 1 – 2 giờ sáng nhiều người vẫn thức đợi.
Họ bảo chờ chúng tôi đến vì nhớ và muốn được nói chuyện cho đỡ cô quạnh. Cụ Loan ở bốt Hàng Đậu reo lên vui mừng mỗi khi thấy chúng tôi.
“Cụ gần trăm tuổi, bị con cái bỏ rơi nên sinh ra bất mãn. Hơn 2 năm nay, cụ xem chúng tôi như con cháu, cụ luôn khát khao được nói chuyện, giãi bày tâm sự”, Thảo kể.
Muốn thay đổi cuộc sống người vô gia cư
Sáng Chủ nhật hằng tuần, các thành viên của Ấm còn nấu cháo, chè cho trẻ em tại Bệnh viện Châm cứu T.Ư. Hầu hết mọi chi phí cho hoạt động tình nguyện của nhóm đều do Thảo và các thành viên Ấm bỏ tiền túi ra.
Thảo kể, trước đây, cô cũng làm đơn đi kêu gọi các doanh nghiệp, Mạnh Thường Quân ủng hộ. “Một số đơn vị nhận lời ủng hộ nhưng đòi phải đăng thông tin, bài quảng cáo. Tôi từ chối luôn, ai có tấm lòng tìm đến ủng hộ thì tôi nhận, tôi không đi xin ai nữa. Bởi làm thiện nguyện phải xuất phát từ cái tâm, chứ vụ lợi thì day dứt lắm” – Thảo nói.
Hơn 2 năm gắn bó với người vô gia cư, nhiều cảnh đời khiến Thảo và nhóm tình nguyện ám ảnh mãi. “Có ông tuần trước chúng tôi đến còn nói chuyện rôm rả, tuần sau đến không thấy ông đâu, hỏi những người xung quanh mới biết, trong đêm giông tố cụ không có chỗ trú ẩn, trầm mình giữa đêm mưa cụ bị cảm lạnh và ra đi đột ngột” – Thảo tâm sự.
Thảo vừa xin được học bổng của Chính phủ Nhật với đề tài nghiên cứu về chính sách bảo vệ người vô gia cư trong 2 năm. Thảo tạm thời bàn giao lại nhóm tình nguyện Ấm cho người khác quản lý.
Tháng 8 này, gác lại công việc yêu thích tại VTV4 (Đài Truyền hình Việt Nam), việc kinh doanh, Thảo lên đường sang Nhật để theo đuổi mục tiêu thay đổi cuộc sống của người vô gia cư Việt Nam.
Nói về dự định tương lai, Thảo cười: “Bố mẹ tôi sốt ruột chuyện chồng con của con gái nên cứ hy vọng tôi sang đó sẽ gặp và lấy một chàng trai Nhật rồi ổn định cuộc sống luôn.
Tôi không có ý định đó, ra đi lần này, tôi càng quyết tâm trở về hơn bao giờ hết. Hy vọng sau hai năm với vốn kiến thức đã học được tôi sẽ làm được điều ý nghĩa giúp người vô cư Việt Nam”.